Tỉnh Ninh Thuận tăng tốc hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022
Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhờ bám sát các chương trình của trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên từng lĩnh vực.
Trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Ninh Thuận tiếp tục duy trì ổn định và phục hồi tích cực; các cấp, các ngành đã tập trung triển khai các nhiệm vụ đột phá tạo tăng trưởng những tháng cuối năm; các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, ngành Du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, thuận lợi về thời tiết, chủ động nguồn nước tưới nên sản xuất 2 vụ đông - xuân và hè - thu đạt hiệu quả cao, tăng về quy mô, năng suất và giá tiêu thụ, diện tích thu hoạch tăng 2,9% so cùng kỳ, vượt 1,6% kế hoạch.
Sản xuất tôm giống tiếp tục phát huy thế mạnh, trong 9 tháng sản lượng đạt 30,9 tỷ con, tăng 0,7% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,06%; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,9%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 5,3%. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến được phục hồi và tăng trưởng, có 11/21 sản phẩm chủ lực tăng khá so cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực; tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng qua đạt 23.906 tỷ đồng, tăng 36,3% so với cùng kỳ. Đặc biệt, hoạt động du lịch tiếp tục phục hồi và khởi sắc, từ đầu năm đến nay đã thu hút gần 2,2 triệu lượt khách, tăng 93,2% so cùng kỳ, vượt 10,3% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 1.634 tỷ đồng, tăng 124,8% so cùng kỳ. Thu ngân sách 9 tháng đạt 3.036,2 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch, trong đó thu nội địa đạt 98,3% KH, tăng 18,7% so với cùng kỳ.
Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tiếp tục triển khai có hiệu quả; các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ hiện đã có 13/19 chính sách hỗ trợ được thực hiện, với 5.389 DN, hộ kinh doanh với tổng kinh phí 873,8 tỷ đồng và 3.057 cá nhân, hộ gia đình, kinh phí 119 tỷ đồng đã góp phần giảm bớt khó khăn cho DN, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2022 có 382 DN thành lập mới, tăng 36,9% số DN và tăng 5,5 lần số vốn đăng ký; nâng tổng số DN đang hoạt động trong toàn tỉnh lên 3.905 DN.
Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên tỉnh cũng nhận định những tồn tại, khó khăn cần phải khắc phục để bứt tốc hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH năm, như: Tốc độ tăng trưởng đạt thấp so với mục tiêu đề ra, ngành năng lượng tái tạo tăng trưởng thấp; giá trị sản xuất ngành xây dựng giảm; một số dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành nhưng chưa có COD nên chưa phát huy hiệu quả; một số dự án trọng điểm về du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp có tiến độ triển khai chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhất là vốn nước ngoài và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến ngày 26/9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 52,7% KH (vốn trong nước, đạt 73,6% và vốn nước ngoài đạt 43%) áp lực giải ngân đạt 100% KH vốn trong năm 2022 là rất lớn. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm về trật tự, an toàn xã hội gia tăng (xảy ra 265 vụ, tăng 21 vụ), tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp và tăng 2 tiêu chí so với cùng kỳ (tăng số vụ và người bị thương)...
Nhận diện rõ những tồn tại đó, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo chỉ đạo của trung ương và của tỉnh. Với quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch, tỉnh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển KT-XH năm 2022.
Tập trung thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là cơ cấu lại từng ngành, lĩnh vực như công thương, xây dựng, giao thông vận tải, lao động. Chỉ đạo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các chương trình, đề án thuộc chương trình công tác năm 2022.
Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển KT-XH theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cánh đồng lớn. Triển khai giải pháp đột phá ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo, khoáng sản còn dư địa cho tăng trưởng.
Chủ động triển khai các thủ tục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo để sớm triển khai ngay sau khi Chính phủ ban hành các chính sách về năng lượng tái tạo; tiếp tục đột phá vào các ngành dịch vụ, trong đó trọng tâm là ngành Du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; triển khai hiệu quả các giải pháp xúc tiến du lịch.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022; trên cơ sở rà soát giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại các công trình, dự án trọng điểm, các công trình thủy lợi, giao thông, các dự án đô thị mới, các dự án đầu tư của các thành phần kinh tế.
Đặc biệt, tập trung hoàn thiện các quy hoạch về logistics, cụm công nghiệp; hoàn thiện hồ sơ tổ chức đấu thầu dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW để sớm triển khai thực hiện, tạo động lực phát triển theo hướng chiến lược, bền vững trong thời gian tới.