Tố cáo vòi vĩnh, nhũng nhiễu thế nào cho đúng, an toàn?
(Tài chính) Theo báo cáo kết quả một nghiên cứu, chỉ có 3% người bị nhũng nhiễu, đòi hối lộ dám tố cáo thamnhũng. Đây là một con số quá khiêm tốn khi tình hình nhũng nhiễu, vòi vĩnh hiện nay theo nghiên cứu là có xu hướng gia tăng.
Theo quy định Luật tố cáo, người tố cáo được giữ bí mật thông tin và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm và uy tín và được khen thưởng nếu tố cáo, ngăn chặn tham nhũng.
Người tố cáo được giữ bí mật thông tin
Cụ thể, người tố cáo có thể gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Khi tố cáo phải có nghĩa vụ nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Tuy nhiên, người tố cáo có quyền được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập (Theo Điều 9 Luật Tố cáo).
Khi nhiều người cùng tố cáo thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Người đại diện phải là người tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người đại diện. Trường hợp nhiều người đến tố cáo trực tiếp thì phải cử đại diện để trình bày nội dung tố cáo.
Trường hợp tố cáo phức tạp, Thủ trưởng cơ quan phải tiếp và nghe đại diện của những người tố cáo trình bày nội dung tố cáo.
Tiếp nhận xử lý đơn thư tố cáo
Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có thể gia hạn thời hạn giải quyết một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì không quá 60 ngày.
Những trường hợp tố cáo không được giải quyết: Tố cáo về vụ việc đã được giải quyết mà không cung cấp thêm được thông tin, tình tiết mới; Tố cáo về vụ việc không có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật; Tố cáo về vụ việc mà không đủ điều kiện để kiểm tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm.
Quy trình bảo vệ người tố cáo
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo.
Người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.
Khi người giải quyết tố cáo nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập thì có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo.
Ngoài ra, người giải quyết tố cáo còn phải bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết.
Áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật.
Khen thưởng người tố cáo
Người tố cáo tham nhũng tùy theo mức độ sẽ được khen thưởng bằng nhiều hình thức: phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng từ 300 triệu đồng trở lên, hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích, tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên sẽ được tặng Huân chương Dũng cảm.
Những người tố cáo, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng mà giúp nhà nước thu hồi được từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị thương tích hoặc tổn hại sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% sẽ được tặng bằng khen của Thủ tướng.
Trường hợp thành tích của người được khen thưởng giúp thu hồi được cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì có thể áp dụng mức động viên, khuyến khích bằng vật chất cao hơn mức quy định nhưng tối đa không vượt quá 10% giá trị tiền, 3.000 lần mức lương cơ sở (tương đương với 3,4 tỷ đồng).