Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú và vấn đề trao đổi
Thời gian qua, tại Việt Nam đã phát sinh nhu cầu từ các tổ chức kinh tế về cho vay ra nước ngoài, hoặc tìm hiểu các quy định liên quan, tuy nhiên hiện vẫn chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế. Quyết định được ban hành sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người cư trú nắm rõ tiêu chí, trình tự, hồ sơ, thủ tục xin phép. Bài viết trao đổi nội dung này và các quy định liên quan.
Cần thiết quy định về tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú
Theo NHNN, thời gian qua, tại Việt Nam phát sinh nhu cầu từ các tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Do đó, cần thiết ban hành quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú để tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế có nhu cầu cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người cư trú nắm rõ tiêu chí, trình tự, hồ sơ, thủ tục xin phép và trách nhiệm của các bên liên quan.
NHNN đã xây dựng và đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về trình tự, thủ tục chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế. Tại dự thảo Quyết định, NHNN đã xác định nguyên tắc thực hiện hoạt động cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của rổ chức kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến an toàn vĩ mô, an ninh chính trị xã hội, không trái với chính sách quốc phòng, ngoại giao và các định hướng ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Đồng thời, phải tuân thủ quy định pháp luật về tiền tệ, ngoại hối, đầu tư, thuế và các quy định khác của pháp luật có liên quan; tuân thủ pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ của bên đi vay, bên được bảo lãnh và điều ước quốc tế có liên quan... Việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Về tiêu chí để tổ chức kinh tế là bên cho vay, tổ chức phải có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, hoạt động kinh doanh có lãi, không có nợ xấu với hệ thống ngân hàng, không có nợ nước ngoài quá hạn trong 02 năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế (theo báo cáo tài chính được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam); Không nợ thuế với NHNN trong vòng 02 năm gần nhất với thời điểm gửi hồ sơ đề nghị chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú; Có phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điều lệ của Tổ chức kinh tế và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (trong trường hợp tổ chức kinh tế là doanh nghiệp có vốn nhà nước).
Đối với tiêu chí về bên đi vay, bên được bảo lãnh thuộc một trong các đối tượng sau: Là công ty mẹ hoặc các công ty thành viên cùng hệ thống ở nước ngoài của bên cho vay, bên bảo lãnh; Là Chính phủ nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài được Chính phủ nước ngoài bảo lãnh. Mặt khác, ngoại tệ để cho vay nước ngoài phải là nguồn ngoại tệ có từ hoạt động sản xuất kinh doanh, không sử dụng ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng hoặc vay trong và ngoài nước.
Về cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài
Tại dự thảo Quyết định, NHNN đề xuất, hồ sơ đề nghị chấp thuận khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài bao gồm:
Một là, văn bản của tổ chức kinh tế đề nghị chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài trong đó tóm tắt phương án (bên đi vay, bên được bảo lãnh; hạn mức cho vay, bảo lãnh; thời hạn cho vay, bảo lãnh; lãi suất) và sự cần thiết của giao dịch cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
Hai là, bản sao hồ sơ pháp lý (công chứng) của tổ chức kinh tế là bên cho vay, bên bảo lãnh.
Ba là, bản sao hồ sơ pháp lý của bên đi vay, bên được bảo lãnh, nhằm chứng minh mối quan hệ giữa các bên.
Bốn là, báo cáo tài chính đã được kiểm toán 02 năm gần nhất trước thời điểm nộp hồ sơ.
Năm là, báo cáo về tình hình dư nợ tín dụng tại tổ chức tín dụng trong nước và dư nợ vay ngoài nước của tổ chức kinh tế tại thời điểm cuối tháng gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ.
Sáu là, xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước của 02 năm gần nhất.
Bảy là, phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú bao gồm một số nội dung cơ bản như sau: Bên đi vay, bên được bảo lãnh; Hạn mức cho vay, bảo lãnh; mục đích, điều kiện cho vay, bảo lãnh; biện pháp đảm bảo tài sản và phương thức xử lý tài sản đảm bảo (nếu có); phương án cân đối nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện cho vay, bảo lãnh; kế hoạch giải ngân, thu hồi nợ; đánh giá tính khả thi của dự án sử dụng vốn vay, bảo lãnh; đánh giá khả năng tài chính của bên đi vay, bên được bảo lãnh; mức độ rủi ro của khoản cho vay, bảo lãnh, của quốc gia bên đi vay, bên được bảo lãnh và dự kiến các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với khoản cho vay, khoản bảo lãnh.
Tám là, bản sao văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với phương án cho vay ra nước ngoài/bảo lãnh cho người không cư trú phù hợp với điều lệ của tổ chức kinh tế và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chín là, xác nhận của ngân hàng về số dư tài khoản ngoại tệ của tổ chức kinh tế tại thời điểm cuối tháng gần nhất với thời điểm nộp hồ sơ hoàn thiện.
Mười là, thỏa thuận sơ bộ, biên bản ghi nhớ hoặc dự thảo thỏa thuận với bên đi vay, bên được bảo lãnh (nếu có) về khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
Cuối cùng là bản sao văn bản của Chính phủ nước ngoài đồng ý về nguyên tắc việc bảo lãnh cho bên đi vay.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quyết định cũng nêu rõ trình tự, thủ tục chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú của tổ chức kinh tế không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, tổ chức kinh tế lập 04 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc) đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú theo quy định tại Quyết định này và gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại NHNN.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ: Trường hợp các thành phần hồ sơ của Tổ chức kinh tế chưa đầy đủ, hợp lệ, NHNN có văn bản yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin và tài liệu có liên quan; Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, NHNN gửi hồ sơ của tổ chức kinh tế đến các bộ, ngành, cơ quan có liên quan (Cơ quan phối hợp) đề nghị tham gia ý kiến thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định này.
Về cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh người không cư trú gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài
Đối với tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài, dự thảo Quyết định cũng quy định về tiêu chí đối với khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài.
Theo đó, bên đi vay, bên được bảo lãnh là tổ chức kinh tế ở nước ngoài do bên cho vay, bên bảo lãnh thành lập theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó; Mục đích của khoản cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tổ chức kinh tế là bên cho vay, bên bảo lãnh phải đáp ứng tiêu chí là nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài dưới các hình thức quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư; Có phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại điều lệ của tổ chức kinh tế và quy định hiện hành của pháp luật có liên quan; Có phương án cân đối nguồn ngoại tệ phù hợp với quy định của pháp luật về ngân hàng và quản lý ngoại hối.
Theo dự thảo Quyết định, hồ sơ đề nghị chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài gồm: Văn bản của tổ chức kinh tế đề nghị chấp thuận việc cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú không gắn với dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó tóm tắt phương án và sự cần thiết của giao dịch cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú; Bản sao hồ sơ pháp lý của tổ chức kinh tế là bên cho vay, bên bảo lãnh; Bản sao hồ sơ pháp lý của bên đi vay, bên được bảo lãnh.
Phương án cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú bao gồm một số nội dung cơ bản như: Bên đi vay, bên được bảo lãnh; hạn mức cho vay, bảo lãnh; mục đích, điều kiện cho vay, bảo lãnh; biện pháp đảm bảo tài sản và phương thức xử lý tài sản đảm bảo (nếu có); phương án cân đối nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện cho vay, bảo lãnh; kế hoạch giải ngân, thu hồi nợ; đánh giá tính khả thi của dự án sử dụng vốn vay, bảo lãnh; đánh giá khả năng tài chính của bên đi vay, bên được bảo lãnh; mức độ rủi ro của khoản cho vay, khoản bảo lãnh; mức độ rủi ro của quốc gia bên đi vay, bên được bảo lãnh và dự kiến các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với khoản cho vay, khoản bảo lãnh.
Hồ sơ còn có bản sao văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền đối với phương án cho vay ra nước ngoài/bảo lãnh cho người không cư trú phù hợp với điều lệ của tổ chức kinh tế và quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Tài liệu chứng minh phương án cân đối nguồn vốn ngoại tệ để thực hiện cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú.
Về trình tự, thủ tục đề nghị chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú gắn với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, tổ chức kinh tế lập 02 bộ hồ sơ (trong đó có 01 bộ gốc) đề nghị chấp thuận cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú theo quy định và gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ: Trường hợp các thành phần hồ sơ của tổ chức kinh tế chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản yêu cầu bổ sung thông tin và tài liệu có liên quan. Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ của tổ chức kinh tế đến NHNN và các cơ quan khác đề nghị tham gia ý kiến thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ quy định.
Kết luận
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận cho tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú đã được công bố lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Những quy định trong Dự thảo nếu được thông qua sẽ hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của tổ chức kinh tế, đồng thời không ảnh hưởng đến an toàn vĩ mô, an ninh chính trị xã hội, không trái với chính sách quốc phòng, ngoại giao và các định hướng ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2022), Dự thảo Quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận cho Tổ chức kinh tế cho vay ra nước ngoài, bảo lãnh cho người không cư trú;
2. https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-nha-nuoc-lay-y-kien-ve-du-thao-quy-dinh-ve-cho-vay-ra-nuoc-ngoai-101266.html;
3. https://kienlongbank.com/viet-nam-chuan-bi-co-quy-dinh-chinh-thuc-ve-cho-vay-ra-nuoc-ngoai.
(*) ThS. Nguyễn Khánh Thu Hằng – Trường Đại học Duy Tân
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 04/2022