Giá dầu thế giới đi về đâu?
Tháng 2/2015, tiến sĩ kinh tế Mỹ Garry Shilling - người nổi tiếng với nhiều dự đoán chính xác đã nhận định, trong năm nay, giá dầu có thể sẽ giảm xuống mức 20USD/thùng. Vào thời điểm đó, không ít người tỏ ra phiền ngại nhưng những gì đang xảy ra với giá dầu mỏ thời gian gần đây, người ta buộc phải nhìn nhận lại vấn đề mà Shilling đã đưa ra.
Nhìn lại thời điểm giữa tháng 3 năm nay, giá dầu giảm xuống mức 43USD/thùng. Lập tức, nhiều người đưa ra mọi lý lẽ cho rằng giá dầu bị định giá quá thấp. Ngay sau đó, giá dầu đã hồi phục ngoạn mục lên mức 56,39USD/thùng giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 5.2015, đánh dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 23.12.2014.Điều này giúp cho một số người có tư tưởng lạc quan tin rằng, giá dầu có thể tăng trở lại mức 80USD/thùng. Song, trước khi đến được ngưỡng giá kỳ vọng trên, giá dầu lại giảm từ khoảng 60USD/thùng trong tháng 6 về dưới mức 40USD trước khi bật lên 46USD/thùng như hiện nay.
Những yếu tố tác động
Thị phần thay đổi gây nhiều cản trở cho Ảrập Xêút. Do đó, quốc gia này và những thể chế tài chính lớn khác ở vùng vịnh Persian quyết định chơi một ván cờ cao. Trong cuộc gặp gần nhất của OPEC tổ chức tại Vienna ngày 27.11 năm ngoái, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dưới ảnh hưởng của thành viên “anh cả” Ảrập Xêút không lui quyết định bảo lưu hạn ngạch khai thác dầu, ngay cả khi giá dầu giảm xuống đến 40USD/thùng. Cho tới tháng trước, sản lượng khai thác của OPEC còn lên tới 31,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 5.2012. Ảrập Xêút cũng khai thác với mức 10,35 triệu thùng/ngày. Mục đích của OPEC quyết không giảm sản lượng để cứu giá dầu là nhằm bảo vệ thị phần trên thị trường dầu lửa thế giới trước sự cạnh tranh của các nước khác, nhất là nước Mỹ với sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ những năm gần đây.
Khác xa thập kỷ 70, hầu hết các nước sản xuất dầu hiện nay đều không tính tới việc cắt giảm sản lượng. Quan trọng hơn, Mỹ đang nổi lên với vai trò của một yếu tố mới có ảnh hưởng chi phối ngang tầm với OPEC trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Washington có những toan tính chính trị, kinh tế riêng khi theo đuổi cuộc chạy đua gia tăng sản lượng dầu mà không quan tâm tới những diễn biến về giá ở thời điểm hiện nay. Các nhà sản xuất dầu của Mỹ tiếp tục khoan thăm dò, khai thác các giếng dầu mới, áp dụng những công nghệ tiên tiến độc quyền đang làm cho sản lượng dầu của nước này duy trì đà tăng mạnh, hậu quả là giá dầu sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được hồi tháng 7 mới đây cũng tạo cơ hội cho Mỹ “bung hàng” nhằm thu lợi nhuận. Với khả năng sản xuất 1 triệu thùng dầu/ngày, cũng như nhiều quốc gia dầu lửa khác, Iran sẽ sẵn sàng theo đuổi cuộc đua về sản lượng mà không quan tâm đến giá nhằm tranh giành thị phần toàn cầu. Trong khi đó, Nga - nước có sản lượng khai thác lớn nhất - cũng cương quyết duy trì khả năng khai thác tối đa của mình nên không có cửa cho việc giảm nguồn cung. Đây cũng sẽ là các tác nhân góp phần làm giá dầu xuống thấp hơn nữa trong thời gian tới.
Đối ngược với nguồn cung tăng ồ ạt như vậy, cầu của các nước sử dụng nhiều năng lượng như Trung Quốc, Ấn Độ lại giảm. Tại châu Âu, nhu cầu xăng dầu cũng ở chiều đi xuống. Thống kê cho thấy, nửa đầu mỗi năm, cầu luôn giảm và tăng vào thời gian còn lại, nhưng xét tổng thể cầu năm sau cao hơn năm trước. Thêm vào đó, sự tăng mạnh của đồng bạc xanh thời gian gần đây tiếp tục gia tăng sức ép lên giá dầu. Trên toàn thế giới, dầu mỏ được định giá và giao dịch bằng USD. Hiện tại, đồng USD đang rất mạnh so với các đồng tiền khác nên giá dầu ở ngoài Mỹ cũng trở nên đắt hơn và dẫn tới nhu cầu dầu giảm theo.
Kịch bản nào cho giá dầu?
Trước những diễn biến trên, có nhiều ý kiến trái chiều về khả năng tăng giảm của “vàng đen” được các chuyên gia đưa ra. Vẫn giữ nguyên quan điểm của mình, Shilling cho rằng giá dầu còn có khả năng giảm xuống 20, thậm chí còn ở mức 10USD/thùng. Còn nhà phân tích Richard Mallinson thuộc hãng Energy Aspects nhận định, giá dầu sẽ không thể hồi phục trở lại cho tới quý II.2016 sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm qua hôm 24.8, do giới thị trường quan ngại về đà tăng trưởng ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Chuyên gia này khẳng định: “Chúng ta chỉ có thể chứng kiến giá dầu leo lên mức 70USD/thùng vào nửa đầu năm 2016. Còn hiện tại, niềm tin thị trường rất tiêu cực”. Trong khi đó, ông Francisco Quintana, Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế của hãng Asiya Investments (Abu Dhabi), lại cho rằng: “Các nhân tố kinh tế cơ bản không yếu như thị trường đánh giá. Do đó giá dầu sẽ dần ổn định ở ngưỡng trên 50USD/thùng”.
Với nguồn cung hiện tại đang vượt cầu khoảng 2 triệu thùng/ngày, sự chênh lệch này có thể được cân bằng bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, ở các thị trường có sức tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, cầu chắc chắn sẽ tăng trở lại. Thứ hai, với mức giá giảm sâu, một số công ty do không chịu được áp lực giảm, sẽ làm giảm nguồn cung. Cuối cùng, khả năng OPEC đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong phiên họp dự kiến vào tháng 12.2015 là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, nhân thời điểm giá dầu thấp, nhiều quốc gia đã tranh thủ tích trữ trong kho dự trữ của mình nên kể cả khi cung cầu ở mức cân bằng, giá dầu cũng sẽ chưa tăng ngay mà có độ trễ nhất định.