Tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu
Nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh, áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng ngày càng lớn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trích lập dự phòng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng nợ xấu khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình của nhiều nhà băng giảm.
Đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại đã ở mức 6,9%, theo cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tăng trưởng lợi nhuận giảm tốc trong khi chất lượng tài sản cũng là một điều đáng lưu ý khi nợ xấu tại nhiều thành viên đang tăng nhanh trở lại.
Số liệu thống kế từ báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2024 của 28 ngân hàng cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu ở mức gần 269,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,7% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng 4,5%, lên mức gần 135,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,2% tổng nợ xấu.
BacABank là ngân hàng ghi nhận quy mô nợ xấu gia tăng mạnh nhất hệ thống, tới 65,4% chỉ sau 6 tháng, đạt 1.513 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm nợ nghi ngờ khi tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm, lên 580 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng gần 41%, lên 241 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay theo đó bị kéo lên 1,48% từ mức 0,92% hồi đầu năm.
Đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 16.446 tỷ đồng, tăng 23,1% so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay tăng lên 1,2% từ mức 1,05%.
Tại VietinBank, kết thúc quý II/2024, nợ xấu nhóm 4 tăng 185% so với đầu năm. Cụ thể, tại ngày 30/6/2024, nợ xấu nhóm 4 (nợ nghi ngờ) của VietinBank ở mức 13.345 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.721,2 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc năm 2023.
Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 33,3% từ mức 2.058,4 tỷ đồng (31/12/2023) lên 3.344 tỷ đồng; nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) giảm nhẹ từ mức 22.829 tỷ đồng về mức 22.628,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, BIDV có tổng nợ xấu 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,26% lên 1,52%.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhiều nhà băng cũng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm như ACB tăng 37,9%. Đáng chú ý, có khá nhiều ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/cho vay ở mức trên 3% như MSB, VietBank, ABBank, BVBank, …
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nợ xấu ghi nhận tăng như một hệ quả của quá trình từ dịch COVID-19 cho đến hậu dịch và khó khăn chung của nền kinh tế, không phải là quá trình mới phát sinh hay do khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng kém của hệ thống ngân hàng.
Trên thực tế, dù nợ xấu vẫn trong xu hướng tăng nhưng theo các chuyên gia, hiện chưa được thể hiện hoàn toàn trên BCTC của các ngân hàng khi các khoản nợ “có nguy vơ” vẫn đang được cho phép cơ cấu lại nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, hiện đang được kéo dài hết năm theo Thông tư số 06/2024/TT-NHNN.
Các chuyên gia đánh giá, mục tiêu đưa nợ xấu giảm trong nửa cuối năm 2024, đặc biệt là về dưới 3% trong năm 2025 sẽ gặp phải nhiều thách thức khi bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và đặc biệt là khi các thông tư 02, 06 đang cho phép cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024 và có thể không được gia hạn.
Nợ xấu đang có xu hướng tăng khá mạnh, áp lực trích lập dự phòng của các nhà băng theo đó ngày càng lớn.
Trong số 28 ngân hàng đã công bố BCTC, hiện chỉ có 6 thành viên có tỷ lệ trích dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 100%: Vietcombank là 212%, BIDV: 132%, Agribank: 116%, Vietcombank: 114%, MB: 102%, Techcombank: 101%. Theo đó, đây là những thành viên có thể tương đối yên tâm khi an toàn hoạt động của ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, kể cả trong trường hợp xấu nhất là toàn bộ nợ xấu bị xấu hẳn và mất hẳn.
Bên cạnh đó, có 12 nhà băng có tỷ lệ dự phòng từ 50% đến dưới 100%, như: BacABank là 86%; LPBank và SeABank: 77%; ACB: 76%; SHB: 71%; Sacombank và Kienglongbank: 70%; TPBank: 66%; HDBank và MSB: 59%...
Đáng chú ý, có tới 10 thành viên có tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở dưới mức 50%, như: VPBank và VIB là 48%; NamABank: 47%; Eximbank: 40%... Với nhóm này, tình hình sẽ có nhiều khác biệt, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường như hiện nay. Việc tăng nguồn lực dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đó là rất cần thiết.
Trước áp lực nợ xấu của hệ thống tăng cao cũng như nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cuối tháng 6 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo đó, các tổ chức tín dụng được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024 thay vì thời hạn 30/6/2024 như quy định trước đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo nợ xấu tiếp tục tăng do bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn, nhất xu hướng lãi suất huy động tăng có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay. Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của KBSV cho rằng: “Nợ xấu vẫn là một vấn đề cần lưu tâm khi bộ đệm dự phòng của các ngân hàng đã bị thu hẹp đáng kể, trong khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2024 có thể làm cho nhiều khách hàng bị nhảy nhóm nợ, khiến lãi suất cho vay phải được điều chỉnh hợp lý để cân đối với rủi ro của khách hàng”.