Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
"Tôi có một niềm tin mạnh mẽ vào một ngành Tài chính lớn mạnh"
Đó là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết của ngành Tài chính diễn ra chiều 9/1. Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng với kết quả đạt được của ngành Tài chính cả nước và nêu rõ: "Năm nay ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện, vượt mức mọi mặt công tác mà Đảng, Nhà nước giao".
Những kết quả nổi bật về công tác tài chính - ngân sách
Nhận định về những kết quả đạt được của ngành Tài chính năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những kết quả tiêu biểu của Ngành như thu ngân sách đạt và vượt 7,8% so với dự toán Quốc hội thông qua. Lần đầu tiên thu ngân sách trung ương vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% dự toán. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng gửi tới lãnh đạo Bộ Tài chính, các ngành, các cấp địa phương và đặc biệt là toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành Tài chính lời chúc tốt đẹp nhất sau một năm lao động vất vả.
Thủ tướng đề cao tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm triển khai nhiệm vụ nặng nề. “Đặc biệt tôi đánh giá cao đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính với kinh nghiệm, bản lĩnh của mình đã lăn lộn cùng tập thể lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu tăng trưởng GDP mà hụt thu, mất cân đối ngân sách thì cũng không có ý nghĩa” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng nêu lại một số con số kinh tế vĩ mô có sự đóng góp trực tiếp của ngành Tài chính như: GDP tăng 7,08%, quy mô kinh tế đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng, cao nhất hơn 10 năm qua; bình quân đầu người đạt gần 2.600 USD, chất lượng tăng trưởng cũng được nâng lên; 131.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, giải ngân vốn FDI đạt trên 19 tỷ USD… Forbes đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Á - Thái Bình Dương.
Kết quả năm qua đã tạo không khí phấn khởi hào hứng trong đầu tư, khơi dậy niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước.
Đạt được kết quả trên, theo Thủ tướng là nhờ sự phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, địa phương, sự quyết tâm của nhân dân, cộng đồng DN cả nước, trong đó có sự đóng góp trực tiếp rất quan trọng của Bộ Tài chính và ngành Tài chính.
Nhấn mạnh về những kết quả nổi bật của ngành Tài chính, Thủ tướng cho rằng những kết quả này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc, quyết tâm cao độ của toàn ngành Tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Từ việc đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại… cho đến quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) chặt chẽ, chủ động, tiết kiệm hơn. Thu ngân sách đạt tới 1,42 triệu tỷ đồng, cao hơn số báo cáo Quốc hội. Bội chi ngân sách giảm còn 3,6% GDP. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27%, chi thường xuyên giảm còn dưới 62%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đưa ra tương ứng là 25 - 26% và 64%. Đặc biệt, tiềm lực quốc gia được nâng lên đáng kể để đảm bảo xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp thiết, đảm bảo cơ số dự trữ các mặt hàng với quy mô tăng hơn nhiều…
Về nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, Thủ tướng đánh giá ngành Tài chính đã tập trung triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhiều luật, nhiều nghị định quan trọng đã được ban hành. Công tác quản lý tài sản công được chấn chỉnh, đạt kết quả bước đầu. Việc cơ cấu lại, phát triển đồng bộ các thị trường chứng khoán được triển khai tích cực. Việt Nam được đưa vào danh sách thị trường theo dõi nâng hạng. Trong đánh giá chi phí thủ tục hành chính năm 2018, ngành Thuế đứng ở mức thấp nhất trong 8 nhóm thủ tục được đánh giá...
Điểm nhấn tiếp theo là công tác thanh kiểm tra tài chính ngân sách được tăng cường, bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, xử lý tài chính số lượng lớn. Thủ tướng đánh giá, đây là những kết quả nổi bật cho thấy sự chỉ đạo toàn diện của Bộ Tài chính và các cơ quan trong hệ thống, của hàng vạn trong công cuộc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, góp phần quan trọng vào thành công toàn diện của đất nước năm 2018.
Cần có chính sách tài chính để phát triển kinh tế số
Bên cạnh kết quả, tiến bộ đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu rõ tồn tại, hạn chế trong một số nhiệm vụ, lĩnh vực của ngành. Đơn cử như việc hoàn thiện thể chế pháp luật chuyển biến còn chậm, chưa đồng bộ. Các chính sách thường phải sửa đổi, việc giải quyết khó khăn vướng mắc cho DN có lúc có nơi chưa đi vào thực chất, kịp thời.
Bộ Tài chính cũng cần cụ thể hóa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng chính sách tài chính và chế độ kế toán đơn giản để khuyến khích, thúc đẩy loại hình doanh nghiệp này phát triển ngay trong năm 2019, “không thể để một lực lượng doanh nghiệp với tiềm năng phát triển to lớn lại không muốn lớn nhanh như thời gian qua. Đồng thời cần giải bài toán phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển DN vừa và nhỏ…”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với mục tiêu Chính phủ đang phát động là thúc đẩy phát triển kinh tế số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần có chính sách tài chính hấp dẫn để khuyến khích phát triển kinh tế số ở Việt Nam, bởi đây là dư địa vô cùng lớn để thúc đẩy kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh và bền vững.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý việc vi phạm chính sách, chế độ thu chi ngân sách vẫn xảy ra ở nhiều đơn vị, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu. Đạo đức nghề nghiệp, văn hoá ứng xử của một bộ phận công chức còn hạn chế, đâu đó còn một số bộ phận nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN...
Chất lượng kiểm tra thanh tra ngành Tài chính còn phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, cần có biện pháp tổng thể, áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực thanh tra. “DN nào chấp hành tốt pháp luật thì không cần kiểm tra, thanh tra gây phiền hà cho DN. Phải có bộ lọc để ứng xử công bằng, không làm khó DN. Tài chính phải đi trước để tạo sự phát triển chứ không phải là quản lý đơn thuần” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở.
Tiếp tục mở rộng cơ sở thuế, tạo không gian tài khoá lớn hơn
Với năm 2019, Thủ tướng cho rằng, Bộ Tài chính phải đi đầu trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ với nỗ lực cao nhất, quyết tâm lớn nhất, để có sự chuyển biến thực sự. Theo đó, ngành Tài chính phải có giải pháp đồng bộ để tạo không gian tài khóa lớn hơn, có nhiều nguồn lực hơn để điều hành chủ động, linh hoạt hơn, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng tăng tỉ trọng thu nội địa, tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, giảm bội chi, hướng đến cân bằng ngân sách trong 5-10 năm tới.
Thủ tướng yêu cầu, cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thuế, làm tốt hơn nữa công tác quản lý thu. Mở rộng áp dụng hóa đơn điện tử, cơ bản hoàn thành trong năm 2019 ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, vốn đầu tư công, ODA, không để thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. Phải xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị thuộc diện cổ phần hóa được duyệt nhưng không triển khai. Cho rằng vấn đề tài sản công đã kéo dài nhiều năm, Thủ tướng đề nghị tập trung giải quyết tốt hơn trong năm nay, trong đó có việc sử dụng xe công, công sở.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh ngành Tài chính cần quán triệt, thực hiện nghiêm việc không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp; không sử dụng phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân trong dịp Tết, lễ hội; dành thời gian thăm hỏi các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình bị ảnh hưởng thiên tai.
Cuối cùng, với niềm tin mạnh mẽ về ngành Tài chính lớn mạnh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, Thủ tướng yêu cầu: “Các cơ quan liên quan hỗ trợ cho ngành Tài chính phát triển, các tỉnh uỷ, thành uỷ phải quan tâm, tạo điều kiện cho ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ, phải đổi mới tư duy từ các cấp lãnh đạo địa phương để hỗ trợ ngành Tài chính. Không thể một mình ngành Tài chính hoàn thành được những nhiệm vụ nặng nề đã đặt ra”.