Tôi đã tiếp nhận Bộ Tài chính như thế nào?

Lê Văn Hiến, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đồng chí Lê Văn Hiến đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tài chính từ tháng 3/1946 đến tháng 10/1958. Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, ngoài cương vị Bộ trưởng Tài chính, đồng chí Lê Văn Hiến đã được Đảng và Nhà nước giao đảm đương nhiều vị trí quan trọng và vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Đồng chí Lê Văn Hiến mất tại Hà Nội năm 1998.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính tại ATK.
Bộ trưởng Lê Văn Hiến cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính tại ATK.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến là tác giả của bộ sách “Nhật ký của một Bộ trưởng” (Nxb Đà Nẵng, 2004) - ghi lại tương đối đầy đủ hoạt động của mình khi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ kháng chiến, xung quanh đó là hoạt động của cả bộ máy kháng chiến. Độc giả bắt gặp trong “Nhật ký của một Bộ trưởng” hình ảnh gần gũi, sống động của hầu hết những nhân vật lịch sử của cách mạng Việt Nam giai đoạn trường kỳ kháng chiến, từ những sinh hoạt, những tâm tư đời thường cho tới những giây phút thiêng liêng, trọng đại nhất quyết định vận mệnh cách mạng Việt Nam.

Bộ sách “Nhật ký của một Bộ trưởng” chứa đựng những sử liệu vô cùng quý giá, giúp các nhà sử học phục dựng lại được bức tranh sinh động về một thời kỳ hào hùng của dân tộc và của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam. Ban biên soạn trân trọng trích đăng một phần hồi ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến viết về giai đoạn đầu khi Chính phủ Cách mạng lâm thời tiếp quản Bộ Tài chính.

Tôi đã tiếp nhận Bộ Tài chính như thế nào? - Ảnh 1

Các nhà tư sản yêu nước Thủ đô Hà Nội sôi nổi hưởng ứng Tuần lễ Vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đứng thứ 4 từ bên phải sang.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp kỳ thứ nhất tại Hà Nội.

Đó là sự bất ngờ đối với mọi người, trong nước cũng như ngoài nước. Cách mạng tháng Tám vừa thắng lợi, nhân dân ta vừa thoát khỏi vòng nô lệ của thực dân Pháp, chưa từng nghĩ đến ứng cử, bầu cử là gì. Vả lại Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nước cũng chưa ai biết, hoặc kẻ biết người không, thế mà Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ta đã ra quyết định lấy ngày mồng 6 tháng 1 năm 1946 là ngày bầu cử Quốc hội trong cả nước, thật là một quyết định bất ngờ! Thế mà nhân dân ta với lòng tin vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, răm rắp tiến hành lệnh bầu cử trong cả nước một cách thành công, mặc dầu có nơi phải bầu cử dưới bom đạn, có người bị hy sinh. Cuối cùng cuộc bầu cử đã tiến hành thắng lợi.

Nhờ vậy, mới có ngày 2 tháng 3 năm 1946, ngày Hồ Chủ tịch công nhiên công bố thành lập Chính phủ chính thức gọi là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, ảnh hưởng rất lớn đối với trong nước, đặc biệt đối với ngoài nước.

Chủ tịch Chính phủ là Hồ Chí Minh.

Phó chủ tịch là Nguyễn Hải Thần.

Cố vấn tối cao là Vĩnh Thụy.

Chính phủ gồm trên dưới 10 Bộ, trong đó có Bộ Tài chính mà Hồ Chủ tịch giao cho tôi trách nhiệm lãnh đạo. Tôi rất lo lắng, có trình lại với Cụ Chủ tịch: Tôi thật tình chưa từng có kiến thức nào về công tác tài chính, một công tác phức tạp, khó khăn, có trách nhiệm nặng đối với đất nước, nếu lãnh trách nhiệm sợ không làm tròn nhiệm vụ.

Hồ Chủ tịch nói ngay: Cứ mạnh dạn nhận nhiệm vụ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhất định sẽ thành công!

Thế là từ thời điểm ấy, tôi nhận nhiệm vụ ở Bộ Tài chính, từ biệt Bộ Lao động mà tôi đảm đương chưa được một năm.

Bàn giao công việc cho tôi là đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ Lâm thời. Trong các nhiệm vụ bàn giao có việc tổ chức bộ máy in bạc để phát hành tờ bạc Việt Nam độc lập, tức là tờ bạc Cụ Hồ mà nhân dân ta đã gọi một cách trìu mến.

Tiếp nhận nhiệm vụ và bộ máy làm việc ở Bộ Tài chính khá đồ sộ. Trong số cán bộ công nhân viên trung, cao cấp mà tôi tiếp xúc, phải nói trước hết là:

Trịnh Văn Bính: Thứ trưởng Bộ Tài chính

Lê Trọng Hiền: Đổng lý sự vụ

Nguyễn Văn Khoát: Giám đốc Kho bạc

Đỗ Trọng Kim: Chánh Văn phòng

Vũ Ngọc Khuê: Giám đốc thuế trực thu

Nguyễn Lẫm: Giám đốc thuế gián thu

Trịnh Hồ Thị: Giám đốc thuế quan

Phạm Gia Kính: Giám đốc trước bạ

Phạm Quang Chúc: Nhà in bạc

Đỗ Văn Sửu: Nhà máy giấy

Nguyễn Văn Danh: Sở đúc tiền

Nguyễn Văn Cái: Sở kho thóc

Tiếp xúc với đội ngũ cán bộ trung, cao cấp Bộ Tài chính, tôi thấy đây là lực lượng có trình độ kiến thức khá vững vàng về chuyên môn, đặc biệt là lòng trung thành với nước, với dân.

Vấn đề rất lớn đối với nền tài chính là phải đảm bảo chi tiêu cho bộ máy Nhà nước, cho các chiến trường. Nhưng khả năng của Nhà nước ta rất hạn chế, ngoài các loại thuế chế độ cũ để lại chẳng có bao nhiêu, chỗ dựa độc lập là phát hành tờ bạc độc lập để cứu vãn tình hình, không còn cách nào khác.

Nhưng Hiệp định mồng 6 tháng 3 lại hạn chế ta không được phát hành. Trước tình thế ngặt nghèo ấy, một hôm vào trung tuần tháng 11/1946, Hồ Chủ tịch cho gọi đồng chí Nguyễn Lương Bằng, phụ trách về tài chính của Đảng và tôi - phụ trách về tài chính của Nhà nước đến gặp Cụ một cách khẩn cấp. Cụ Hồ nêu vấn đề:

Quân đội Pháp ngày càng khiêu khích mạnh, ngoài việc chiếm đóng Hải Phòng, chúng gây nhiều xung đột với quân đội ta ở Hà Nội, có nơi đã xảy ra hy sinh, tình hình này rất dễ xảy ra chiến tranh. Các chú xem, nếu xảy ra chiến tranh thì vấn đề cung cấp cho quân đội và tài chính Nhà nước sẽ như thế nào trong mấy tháng đầu của cuộc chiến tranh?

Sau khi hội ý với anh Nguyễn Lương Bằng, tôi xin trình Cụ: Tình hình rất cấp bách, xét về khả năng của chúng ta hiện nay, trước mắt xin Cụ giải quyết cho hai việc:

1. Hết sức giữ tình hình không để xảy ra chiến tranh trong một tháng, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cung cấp cho chiến trường trong bước đầu.

2. Yêu cầu triệu tập họp Quốc hội ngay để có quyết định cho phép phát hành bạc Việt Nam trong cả nước.

Cụ đồng ý chấp nhận cả hai vấn đề và cho lệnh thi hành ngay.

Nhờ vậy ta tranh thủ mua sắm đủ máy móc, vật liệu chuyển ra ngoài Hà Nội và đưa dần lên Việt Bắc để xây dựng hai nhà máy: Nhà máy in bạc ở Bản Thi và Nhà máy sản xuất giấy ở Chợ Chu. Vài ba tháng sau, ta đã tiến hành việc in bạc Cụ Hồ cung cấp cho các tỉnh từ Bắc chí Nam (kể cả Nam Bộ).

Đây là điều rất bất ngờ đối với địch, vì chúng tưởng có thể tiêu diệt lực lượng ta trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, địch vẫn ấp ủ âm mưu thâm độc hơn.

Tháng 10 năm 1947, địch nhảy dù Bắc Cạn, Cao Bằng, Thái Nguyên và đưa quân lên Tuyên Quang, Phú Thọ.

Cùng một lúc 3 đạo quân tiến lên Đầm Hồng, Bản Thi, cố phá cho được cơ quan in bạc, một đội quân được điều lên với ý đồ phá hủy Nhà máy giấy Chợ Chu. Tình hình vô cùng nguy ngập.

Trước nguy cơ ấy, ta chủ trương chủ động tháo dỡ một số máy và kịp cất giấu, số máy không kịp giấu phải đánh sập nhà để che lấp. Vì vậy, khi địch đến chỉ còn thấy một quang cảnh hoang tàn, mọi máy móc đều bị phá hủy. Trước cảnh ấy, cả 3 đội quân của địch đều phải rút lui, sau khi bắn phá một vài cơ sở nhỏ không có gì quan trọng.

Thế là ta đã cứu được nhà máy in và nhà máy giấy. Sau một thời gian chấn chỉnh, máy móc lại hoạt động bình thường.

Cuộc nhảy dù Việt Bắc của địch hoàn toàn thất bại.

Một điều cũng cần nhắc lại là, khi nhảy dù Bắc Cạn, chúng nhảy đúng vào cơ quan của Bộ Tài chính, bắt được đồng chí Lê Trọng Hiền, Đổng lý sự vụ. Khi đưa về Hà Nội, chúng tưởng Hiền là Hiến, nên chúng tuyên bố công khai, cuộc nhảy dù đã bắt được Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thật ra tin công bố đó là sai. Đồng chí Lê Trọng Hiền bị giam ở Hà Nội một thời gian và ốm chết tại đó.

Đối với hai nhà máy: Nhà máy in và Nhà máy giấy, Bác Hồ rất quan tâm theo dõi, Bác đã đến thăm Nhà máy in ở Chi Nê và ở lại một ngày, một đêm. Sau này, đánh giá sự đóng góp của hai nhà máy này, Bác đã gửi bằng khen.

Nhà máy in bạc đã gửi tặng Bác một tập album, gồm tất cả các loại bạc đã in, Bác đã ghi trong album này mấy câu thơ lưu niệm. Hiện vật này nay vẫn còn lưu trữ ở Bảo tàng Cách mạng.

Trong vài ba năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, ta hoàn toàn phải nhờ vào việc in bạc Cụ Hồ để giải quyết chi tiêu tài chính của Nhà nước. Nhưng dùng in bạc để chi tiêu tất nhiên dẫn đến lạm phát, Nhà nước ta lại phải đứng trước khó khăn mới là đồng tiền bị mất giá. Để cứu vãn tình hình, ta phải chuyển sang chính sách dùng thuế khóa để đảm bảo chi tiêu. Tác dụng lớn trong lúc này là chính sách thuế nông nghiệp thu bằng thóc và tạm trọng lương một phần bằng thóc. Cũng trong thời gian này, ta được các đồng chí chuyên gia Trung Quốc sang giúp chấn chỉnh nền tài chính, nên đã dần dần thoát ra khỏi nạn lạm phát và phát triển thuận lợi dần.

Kể từ ngày nhận nhiệm vụ phụ trách Bộ Tài chính (1946) cho đến khi tôi từ biệt Bộ (1958) là gần 14 năm. Đến năm 1961, Bác Hồ phái tôi sang giúp Lào xây dựng vùng giải phóng và sau đó làm đại sứ bên cạnh Chính phủ Liên hiệp Lào trong suốt 15 năm. Mãi đến 1976 tôi mới về nước tiếp tục tham gia các công việc khác theo khả năng của mình.

Năm nay tôi đã 91 tuổi, sức khỏe kém dần, cố gắng lưu về sau vài kinh nghiệm.

Kinh nghiệm trước tiên là xây dựng con người lành mạnh, trong sạch. Cán bộ tài chính lại càng phải trong sạch, liêm khiết và vô tư thì mới được nhân dân tin tưởng và đánh giá tốt. Cán bộ tài chính phải luôn luôn kiểm tra lập trường, cảnh giác với tư tưởng cầu lợi.

Kinh nghiệm thứ hai là bất kỳ trong cương vị công tác nào đều cần xây dựng một tập thể trung thành, yêu nghề để tự giám sát mình và giám sát lẫn nhau. Người xưa có câu: tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư. Nghĩa là trong ba người cùng đi, ta đã tìm được một thầy giỏi.

Một đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm khiết và một tổ chức chặt chẽ, đó là điều rất may cho Nhà nước.