Tội phạm mạng đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia

Theo Thủy Diệu/vneconomy.vn

Cơ quan công an gần đây phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi.

Trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, năm qua có nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp. Nguồn: Internet
Trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, năm qua có nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Nhận định được Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, nêu tại hội thảo về An ninh Bảo mật 2019 (Security World 2019) diễn ra ngày 29/5, tại Hà Nội. 

 

Vấn đề tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, theo ông Đỗ Anh Tuấn đã vượt ra khỏi phạm vi lợi ích an ninh quốc gia của một nước, đã trở thành thách thức toàn cầu, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của các nước, trong đó có Việt Nam.

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, từ đầu năm đến nay, cơ quan công an đã phát hiện nhiều vụ việc tội phạm đến từ nước ngoài vào Việt Nam làm thẻ giả để rút trộm tiền, thậm chí sử dụng để mua cả những mặt hàng giá trị lớn như kim cương.

Riêng trong lĩnh vực tài chính, ông Tuấn cho biết, cơ quan công an gần đây phát hiện nhiều nhóm tội phạm nước ngoài vào Việt Nam với thủ đoạn tinh vi, lợi dụng kinh doanh đa cấp để phạm tội lừa đảo tiền ảo như đường dây PinCoin, iFan với quy mô lên tới 15.000 tỷ đồng. "Tiền ảo, tài sản ảo đang được các tổ chức tội phạm sử dụng nhằm mục đích tài trợ cho khủng bố, rửa tiền, mua bán vũ khí, ma túy", theo Phó cục trưởng Tuấn.

Tội phạm mạng nói chung và tội phạm mạng trong lĩnh vực ngân hàng được thể hiện cụ thể qua số liệu thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cụ thể trong năm 2018 đã xảy ra 10.220 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong đó có 5.932 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing); 3.198 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 1.090 cuộc tấn công cài cắm mã độc (Malware).

Trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ bán lẻ kết nối hệ thống ngân hàng, năm qua có nhiều vụ tấn công điển hình, gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, tổ chức như sự cố lộ hơn 5,4 triệu dữ liệu cá nhân được cho là khách hàng của chuỗi cửa hàng Thế giới di động vào tháng 11/2018, hay sự cố website của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opbank) bị tấn công và nhóm tin tặc tuyên bố đã lấy được 275.000 dữ liệu khách hàng.

Hay như trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) đã phát hiện chiến dịch tấn công có chủ đích (APT) của tin tặc nhắm đến các hệ thống thông tin của ngân hàng và tổ chức chủ quản hệ thống thông tin hạ tầng quan trọng quốc gia tại Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào, Phó trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, các cuộc tấn công mạng, gián điệp, tội phạm mạng thời gian qua đã không ngừng gia tăng nhằm đánh cắp dữ liệu, thông tin bí mật nhà nước, phá hoại hệ thống thông tin. Trong đó, nhiều tổ chức tội phạm mạng, tổ chức phản động được thành lập, hoạt động tinh vi, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến trật tự an toàn xã hội sự ổn định chính trị, an ninh quốc gia.

Theo ông Đào, thời gian tới, nguy cơ mất an toàn thông tin được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, thể hiện dưới các hình thức như tấn công mạng, nhất là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo, tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng… với mục tiêu tống tiền, đánh cắp thông tin, dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

Khi đưa ra khuyến nghị với các đơn vị trong ngành tài chính ngân hàng, đại diện đến từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, trên thực tế, mặc dù các tổ chức tài chính ngân hàng trang bị giải pháp công nghệ rất hiện đại nhưng chắc chắn không có đơn vị nào dám khẳng định là an toàn tuyệt đối. Do vậy, theo vị này, các nguy cơ mất an toàn thông tin đến từ nhiều khía cạnh khác nhau. Muốn an toàn thì không thể an toàn một mình được mà các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan liên quan phải cùng nhau tác chiến.

Vị đại diện đến từ Cục An toàn thông tin khuyến nghị các tổ chức tài chính, ngân hàng cần chú trọng chia sẻ thông tin để chủ động phòng tránh, xử lý các cuộc tấn công mạng. Đặc biệt các hệ thống thông tin nên được chia sẻ, kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để để khi sự cố xảy ra với một tổ chức sẽ kịp thời xử lý.