Tội phạm về sở hữu trí tuệ có thể lĩnh 3 năm tù
Theo thống kê của Bộ KH-CN, tính đến thời điểm hiện nay, các vi phạm về sở hữu trí tuệ (SHTT) mới chỉ bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, kể từ 1/7/2016 Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực. Ngoài việc phải chịu bồi thường thiện hại, bị xử lý hành chính, các vi phạm SHTT có thể phải chịu hình phạt tù đến 3 năm, tùy theo mức độ.
Bộ luật hình sư 2015 đã bổ sung Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tại Điều 225. Trước đây, theo Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 thì không có quy định về tội phạm này.
Thực tế hiện nay, Việt Nam luôn bị nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước đứng đầu về vi phạm bản quyền. Do đó, việc bổ sung quy định này là hợp lý, mang tính răn đe cho các đối tượng vi phạm bản quyền. Quy định này cũng phù hợp với các cam kết của các hiệp định thương mại tự do TPP, EVFTA…
Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015 đã sửa đổi bổ sung quy định về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 226. Bộ luật hình sự 1999 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 có quy định về tội này nhưng trên thực tế rất khó thực hiện và thực tế cũng chưa thực hiện được vụ nào. Bởi vì, luật cũ có quy định rằng hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ với “quy mô thương mại” thì mới bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, không có bất kỳ một hướng dẫn nào từ cơ quan có thẩm quyền quy định như thế nào được coi là “quy mô thương mại”. Vì vậy, theo điều 226 của bộ luật mới đã quy định rõ khung giá trị vi phạm để làm cơ sở xử lý hình sự. Ngoài ra, tại điều luật này còn quy định trách nhiệm của pháp nhân khi vi phạm sở hữu công nghiệp, bộ luật cũ chỉ có trách nhiệm của thể nhân.
Quy định như vậy cũng tương thích với những cam kết của các hiệp định thương mại tự do TPP, EVFTA… Theo các cam kết về bảo hộ SHTT của các hiệp định trên, Việt Nam cần phải tăng cường xử lý hình sự các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Một điểm khác đáng lưu ý của Bộ luật hình sự 2015 cần quan tâm đó là bỏ Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trong Bộ luật hình sự 1999 thì tội danh này nằm trong Điều 170.
Việc bỏ tội danh này là một điều hợp lý. Bởi vì hiện nay, với cơ chế tố tụng hành chính, khi người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân thì các chủ thể quyền có thể khởi kiện vụ án hành chính nhằm xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực này.