TPP không còn là lời hứa
Thứ Năm tuần này (ngày 4/2), đoàn Việt Nam sẽ có mặt tại Auckland (New Zealand) để đặt bút ký chính thức vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng 11 thành viên.
Cho dù sẽ có khoảng chờ 2 năm để các nước thành viên hoàn tất thủ tục trong nước trước khi TPP chính thức có hiệu lực, thì mọi hành động để hiện thực hóa các cơ hội hay giải tỏa các thách thức từ TPP cũng không thể chần chừ thêm.
Nỗi lo khó kiếm được “miếng bánh” từ TPP củadoanh nghiệpViệt Nam lại lớn lên. Lo vì việc tìm hiểu và tận dụng được các cam kết này vẫn là thách thức lớn nhất. Đặc biệt, doanh nghiệp sợ cô đơn trong chặng đường tìm kiếm các cơ hội trong TPP. Có thể nhìn thấy điều này ngay trong nỗ lực rất lớn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi công bố cuốn Cẩm nang Tóm lược TPP dày 160 trang đúng 1 tuần trước thời điểm lịch sử trên.
So với gần 6.000 trang văn bản bằng tiếng Anh của một hiệp định có khối lượng cam kết lớn nhất, phức tạp nhất mà Việt Nam từng tham gia cho tới thời điểm này, thì cuốn cẩm nang này là quá mỏng.
Nhưng đúng như các chuyên gia về hội nhập của VCCI đã nói, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, không cần việc công bố cả ngàn trang cam kết, mà họ cần những nội dung dùng được để vạch con đường đi ngay trong năm nay, trong vòng vài năm tới và các chiến lược xa hơn. Đây là lý do cuốn cẩm nang được đón nhận.
Song cũng phải khẳng định, một mình VCCI sẽ không thể giải tỏa được thách thức này.
Thứ nhất, chỉ tính riêng 8 nội dung mà VCCI cho rằng, doanh nghiệp cần phải chú ý trong TPP (các vấn đề chung về TPP; cam kết TPP về thuế quan và mở cửa thị trường đối với hàng hóa; cam kết về dịch vụ vàđầu tư; mua sắm công và doanh nghiệp nhà nước; sở hữu trí tuệ; lao động và môi trường; chính sách cạnh tranh - thương mại điện tử - doanh nghiệp nhỏ và vừa; minh bạch, chống tham nhũng và giải quyết tranh chấp), có thể thấy tầm phủ rất rộng.
Để có được những lưu ý cụ thể đối với doanh nghiệp, thiết thực theo từng ngành, lĩnh vực, đòi hỏi các chuyên gia tham gia nghiên cứu phải có chuyên môn sâu. Ở đây, vai trò của các hiệp hội ngành hàng đặc biệt quan trọng trong mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cũng không nhỏ. Lý do là, trong quá trình đàm phán, các phương án tác động, các kịch bản đối phó đã được đưa ra trước khi đi đến đồng thuận về nội dung chính thức.
Nếu doanh nghiệp nắm được các bước đi này, chiến lược không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào dù nhỏ nhất sẽ thực hiện được. Hơn thế, giới hoạch định chính sách chung cũng sẽ nhìn thấy đường hướng để thay đổi cả tư duy lẫn hành động theo các kịch bản tốt nhất được được dự liệu.
Thứ hai, trong hội nhập, bỏ lỡ cơ hội cũng là một thách thức. Một doanh nghiệp, một hộ kinh doanh không thể đối chọi được với đùi gà của Mỹ hay thịt bò từ Australia, dù họ có nỗ lực thế nào. Một lần nữa, vai trò của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp được nhấn mạnh không chỉ với tư cách đại diện, mà còn là cầu nối đưa các ý kiến, kiến nghị từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tới các cơ quan hoạch định chính sách.
Hơn thế, vai trò trong đề xuất chính sách của các hiệp hội ngành hàng đang vô cùng cần thiết khi các tác động của TPP sẽ đến theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực cả ở chiều sâu lẫn chiều rộng. Tới đây, nếu không nắm rõ, hiểu sâu các nội dung cam kết, nhất là những nội dung lâu nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố tình né tranh như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường…, thì khả năng doanh nghiệp Việt Nam rơi vào các vòng kiện tụng sẽ không hề nhỏ. Khi đó, không chỉ là không còn cơ hội, mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đẩy ra ngoài rìa cơn sóng hội nhập.
Thứ ba, trong các thách thức này, vai trò của khu vực nhà nước vô cùng lớn, đó là cải cách, thay đổi thể chế phù hợp với các cam kết, với luật chơi và người chơi mới. Nếu bước thay đổi này chậm, thiếu quyết tâm và không đúng theo chuẩn mực, thì cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam từ TPP cũng sẽ tuột dần, tức là cơ hội của nềnkinh tếViệt Nam cũng sẽ bị bỏ lỡ.