Thích nghi với cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại nội khối

PGS.,TS. Nguyễn Thường Lạng - Đại học Kinh tế quốc dân

Cơ chế giải quyết tranh chấp là công cụ đặc biệt quan trọng bảo vệ nền thương mại tự do. Mọi cuộc tranh chấp thương mại đều có tác dụng nhất định đối với các bên liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sau khi Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/1/2007, những tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được giải quyết.

Những khía cạnh đó cho thấy năng lực tiếp cận và giải quyết các tranh chấp mang bản chất thương mại của cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam ngày càng cao. Tuy nhiên, các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp thương mại không nhỏ.

Cam kết chặt chẽ trong TPP cũng là cảnh báo với DN về sự đối mặt với tranh chấp thương mại

Khác với Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) và WTO (là hệ thống cam kết quan hệ thương mại bình thường), TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có các cam kết theo chiều sâu với các tiêu chuẩn đặt ra cao hơn liên quan đến những ưu đãi lớn hơn về thuế, hàng rào phi thuế và các quy định khác.

Các quy định chặt chẽ về quy tắc xuất xứ, hàm lượng nội khối và tỉ lệ nội địa hóa sẽ là thách thức đáng kể với hàng xuất khẩu của Việt Nam như hàng dệt may, điện tử, giày dép.

Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về bảo vệ môi trường, đối xử với lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (như chống tình trạng hàng giả, hàng nhái kể cả các loại linh kiện, phụ tùng thay thế cũng có thể bị làm giả, làm nhái, vi phạm chỉ dẫn địa lý, vi phạm bản quyền tác giả, nhãn hàng…) sẽ là đòi hỏi rất cao đối với doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ cao phải giải quyết các tranh chấp thương mại.

Theo thỏa thuận, khoảng thời gian hiệp định có hiệu lực là 2 năm, nghĩa là sau ngày 4/2/2018, TPP có hiệu lực trong 12 quốc gia thành viên nên sự chuẩn bị để ứng phó với tranh chấp thương mại thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp là cần thiết.

“Tranh chấp” được hiểu trong TPP gắn với việc giải thích và áp dụng Hiệp định

Cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong TPP là cơ chế có độ mở cao kết hợp được cả cơ chế của WTO và cơ chế của TPP. Các thành viên TPP đồng thời là thành viên WTO nếu có tranh chấp, có thể lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp theo TPP mà không nhất thiết phải theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Bên nguyên đơn có quyền đề xuất cơ chế hay diễn đàn giải quyết tranh chấp này.

Tranh chấp xảy ra khi một bên trong Hiệp định cho rằng các biện pháp được đề xuất hoặc áp dụng của bên kia không phù hợp với nghĩa vụ được quy định trong Hiệp định hoặc không thực hiện nghĩa vụ, hoặc lợi ích chính đáng của một bên bị triệt tiêu hoặc xâm hại do bên kia áp dụng biện pháp trái với Hiệp định.

Vấn đề được ưu tiên trước hết ở hợp tác và tham vấn để giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp định, đặc biệt là các vấn đề gây tranh cãi hay những vấn đề bất đồng. Đồng thời, một bên không được quy định quyền hành động theo luật trong nước để chống lại một bên khác với lý do bên khác đó áp dụng biện pháp không phù hợp với nghĩa vụ quy định trong Hiệp định hoặc không thực hiện nghĩa vụ trong Hiệp định.

Việc giải quyết tranh chấp có thể thông qua môi giới, trung gian và hòa giải. Thủ tục của các phương thức giải quyết tranh chấp này được giữ bí mật, không ảnh hưởng đến quyền của các bên trong các quy trình tố tụng khác.

Cơ chế giải quyết tranh chấp chủ yếu thông qua Hội đồng trọng tài gồm 3 thành viên tương tự như cơ chế Ban hội thẩm của WTO. Tiêu chuẩn lựa chọn trọng tài viên và chủ tịch hội đồng trọng tài với những yêu cầu rất cao về trình độ pháp luật quốc tế, thương mại quốc tế, năng lực tiếng Anh, được lựa chọn khách quan, phán xét hợp lý và có tính độc lập cao, tuân thủ các quy tắc ứng xử trong quy định về Các quy tắc về thủ tục.

Thời gian tiến hành các thủ tục tranh chấp được quy định chặt chẽ và được phân loại thành tranh chấp gắn với hàng hóa dễ hỏng và tranh chấp về các vấn đề khác. Thời gian xử lý các khâu công việc của tranh chấp gắnvới hàng hóa dễ hỏng thường bằng một nửa thời gian của tranh chấp về các vấn đề khác.

Biện pháp khắc phục thiệt hại là các hình thức bồi thường, tạm ngừng các ưu đãi và thanh toán một khoản tiền ấn định…

Chuẩn bị để thích ứng hiệu quả và lâu dài với các tranh chấp

Mặc dù còn 2 năm nữa Hiệp định mới có hiệu lực (năm 2018) nhưng rút kinh nghiệm các tranh chấp Việt Nam đã từng gặp, sự chuẩn bị với các tranh chấp khó tránh khỏi này là cần thiết.

Thứ nhất, TPP cần được Quốc hội nhanh chóng thông qua để Hiệp định có hiệu lực pháp lý chính thức trên lãnh thổ Việt Nam. Bước đi này góp phần mở rộng các cam kết quốc tế của Việt Nam với các nước phù hợp với Chiến lược quốc gia về hội nhập quốc tế của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ hai, coi trọng việc giải thích và hiểu đúng bản chất của các cam kết trong TPP. Công tác nghiên cứu, phân tích, rà soát, đối chiếu giữa các cam kết trong TPP với các cam kết của các hiệp định hoặc thỏa thuận khác, quy định pháp luật trong nước và cả quy định pháp luật của 12 nước thành viên cần được nghiên cứu.

Cần xây dựng cổng thông tin hoặc diễn đàn trao đổi, thảo luận, hỏi đáp, hội thảo, tọa đàm, tập huấn về TPP. Đội ngũ chuyên gia pháp luật quốc tế, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, hiểu biết thương mại quốc tế cần được sử dụng để tham gia tích cực, chủ động với công việc này.

Thứ ba, cần xây dựng đội ngũ trọng tài viên theo đúng tiêu chuẩn của TPP. Do đó, cần chủ trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng trăm cán bộ có đủ năng lực làm trọng tài viên nhằm có đủ lực lượng về số lượng và chất lượng nhằm thích ứng nhanh với yêu cầu thực thi hiệp định.

Thứ tư, chú trọng việc trang bị kiến thức về TPP, thương mại quốc tế và các quy định pháp luật quốc tế, tiếng Anh chuyên nghiệp ít nhất ở mức tối thiểu trước hết đối với đội ngũ doanh nhân, nhà quản lý trung, cao cấp của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần của Việt Nam bằng hình thức thích hợp để giảm thiểu cảc tranh chấp có thể xảy ra do thiếu hiểu biết đầy đủ và chính xác các quy định về nghĩa vụ trong TPP. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Trung tâm trọng tài quốc tế của Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong hỗ trợ pháp lý về TPP đối với doanh nghiệp.

Thứ năm, cần chú ý quan sát, theo dõi cách thức tổ chức thực hiện cụ thể của các nước thành viên trong triển khai TPP để làm bài học tham chiếu đối với Việt Nam, thậm chí có thể cử các đoàn khảo sát, học hỏi kinh nghiệm thực tế ở nước ngoài để áp dụng.