Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới

TS. Lê Thị Thu Hồng - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Là người học trò kiên trung, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (14/4/1944 – 19/7/2024) đã sống trọn một cuộc đời vì nước, vì dân, trung thành học tập, noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách toàn diện trong tư duy và hành động, trong công việc, ứng xử, lối sống gương mẫu, khiêm tốn, giản dị, chân thành. Xuyên suốt, nhất quán trong các bài nói, bài viết, tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã khẳng định những giá trị to lớn, bền vững của di sản Hồ Chí Minh và khẳng định nhiệm vụ phát huy giá trị di sản của Người trong đời sống tinh thần của xã hội, làm cho di sản Hồ Chí Minh, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam tiếp tục lan tỏa, thấm sâu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN

Mở đầu

Qua nhiều tác phẩm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định những giá trị di sản đồ sộ và quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng, cho nhân dân Việt Nam, các thế hệ hôm nay và mai sau: “Đó là thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một tấm gương sáng ngời để chúng ta học tập và noi theo”(1).

Những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện tình cảm và sự kính yêu vô hạn của Tổng Bí thư đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó truyền cảm hứng và góp phần làm rõ những giá trị bền vững của di sản của Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay.

Giá trị di sản Hồ Chí Minh về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Việt Nam bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở miền Bắc sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Trong bối cảnh đó, “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng Đảng ta hoạch định đường lối và lãnh đạo nhân dân ra sức đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng Đảng, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa,… làm cho miền Bắc ngày càng vững mạnh về mọi mặt, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam”(2).

Mùa Thu năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi về thế giới vĩnh hằng, nhưng con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định và phát triển dưới ánh sáng tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của những thế hệ lãnh đạo, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa của các dân tộc là con đường chung của thời đại, của lịch sử, không ai ngăn cản nổi”(3), đúng như sự khẳng định của Tổng Bí thư: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc(4); “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”(5).

Trong di sản Hồ Chí Minh, xây dựng CNXH ở Việt Nam là một sự nghiệp cách mạng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Đặc trưng bản chất của CNXH trong di sản Hồ Chí Minh được đồng chí Tổng Bí thư làm sáng tỏ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(6).

Hiện nay, nhận thức về CNXH, về con đường, biện pháp xây dựng CNXH có nhiều thay đổi, song lý tưởng Hồ Chí Minh, khát vọng của Người về một CNXH “dân giàu, nước mạnh”, nhân dân Việt Nam “được ấm no và sống một đời hạnh phúc” sẽ không bao giờ thay đổi. Thế giới sẽ còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh, di sản Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi.

Giá trị di sản Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh

Năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, vạch đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng trăn trở, suy tư làm sao để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh”, “Đảng ta là một đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(7); “Là một Đảng lãnh đạo, Đảng ta cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu”(8).

Thấm nhuần những chỉ dẫn của Người, với quyết tâm chính trị rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, bởi vì: “Một Đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên(9).

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn “ăn cắp của công làm của tư”, là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”(10), gây ra tác hại to lớn đối với Đảng, nó phá từ trong phá ra, là bạn đồng minh của đế quốc, phong kiến và các loại giặc khác. Đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng là yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, từ yêu cầu của thực tiễn, từ ý nguyện của quần chúng nhân dân, quán triệt sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh về các biểu hiện, tác hại của những căn bệnh của Đảng cầm quyền, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà chế độ xã hội nào cũng có, là “khuyết tật bẩm sinh”(11) của quyền lực, nhận diện đúng và trúng tác hại của tham nhũng, tiêu cực rất quan trọng. Tham nhũng đe dọa sự phát triển của đất nước, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, là một trong bốn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và cách mạng.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nước lấy dân làm gốc”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(12), Đảng ta luôn yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt từ ngọn lẫn gốc, đặc biệt cái gốc là phải chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong quan điểm của Tổng Bí thư, cuộc đấu tranh này phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phải dựa vào nhân dân: “Nếu không dựa vào dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó có thể thành công”(13). Nhân dân có vai trò vô cùng to lớn đối với công tác xây dựng Đảng, “biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(14).

Từ bài học trong di sản Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là tinh thần tự phê bình và phê bình: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”(15), Tổng Bí thư đã chỉ ra những giải pháp trọng tâm, toàn diện để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên các phương diện cơ chế, tổ chức cũng như cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên, ai cũng phải tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình, sẽ không có vùng cấm, không có ngoại lệ như tinh thần pháp quyền Hồ Chí Minh “pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, cho dù ở địa vị nào, nghề nghiệp gì”. Tổng Bí thư đã được tôn vinh là “người đốt lò vĩ đại” vì sự kiên quyết, kiên trì trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây.

Giá trị di sản Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, đạo đức, con người Việt Nam phát triển toàn diện

Với những cống hiến xuất sắc mang ý nghĩa thời đại, tấm gương Hồ Chí Minh - Việt Nam đã cổ vũ, động viên nhân dân các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh dấu thế kỷ XX trở thành thế kỷ “phi thực dân hóa”. Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO khẳng định: “Người đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại và là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(16).

Tổng Bí thư khẳng định việc nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh là để chúng ta nhận thức đầy đủ hơn những giá trị trong tư tưởng của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới, vào sự phát triển những tinh hoa tư tưởng và văn hóa nhân loại”(17).

Phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trung tâm của cách mạng Việt Nam thời kỳ đổi mới, nhà văn hóa Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”(18).

Sự trường tồn và sức lan tỏa của di sản Hồ Chí Minh còn bởi chính tấm gương đạo đức “vô cùng cao đẹp và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của một con người vĩ đại “suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Từ tư tưởng, tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên trong công việc, trong lối sống, tác phong, cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện và noi theo những chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phong cách khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của dân… để mỗi ngày càng hoàn thiện, vươn tới trở thành những nhân cách cao đẹp để nhân dân tín phục, tin yêu.

Để thực hiện được điều đó, Tổng Bí thư chỉ rõ phải kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII và Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, tập trung làm tốt ba nhiệm vụ trọng tâm: Học tập Bác, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Giá trị di sản Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, đó “là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”(19). Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử gần 40 năm đổi mới là minh chứng sinh động khẳng định những giá trị vĩnh hằng của di sản Hồ Chí Minh. Công cuộc đổi mới ở Việt Nam thành công mang dấu ấn rất riêng Việt Nam, là “ý Đảng, lòng dân”, từ những chủ trương, quyết sách đổi mới của Đảng, đến sự đồng tâm nhất trí của người dân Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đổi mới: “Đó là một chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân”(20). Công cuộc đổi mới là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhân dân là trung tâm, là chủ thể của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc nhở phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trung tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư đã đóng vai trò quan trọng định hình trường phái ngoại giao “cây treViệt Nam”, giúp Việt Nam cân bằng mối quan hệ với các cường quốc, để lại nhiều dấu ấn trong quan hệ ngoại giao với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga,...

Đại XIII của Đảng yêu cầu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hành động thực tiễn về bốn kiên định(21), trước hết là kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử như ngày nay do nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết đó chính là sự kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng và nhân dân ta trong xây dựng và phát triển đất nước.

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh còn góp phần vào đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay, khi mà các thế lực thù địch, phản động đang ra sức chống phá sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, hoặc âm mưu tách rời, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với dân, hòng lật đổ Đảng và chế độ. Trọn cuộc đời, Hồ Chí Minh đã kiên trì lý tưởng cách mạng, khoa học, nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam.

Thực tiễn luôn biến đổi, vận động và phát triển, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó có việc vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là đòi hỏi bức thiết của công cuộc đổi mới. Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư đã học tập, tu dưỡng, rèn luyện và noi theo tấm gương sáng ngời của Người. Với nhãn quan chính trị sắc bén và tầm nhìn chiến lược, Tổng Bí thư chỉ rõ: “Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(22).

Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn nhất quán yêu cầu tiếp tục vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Đại hội của Đảng đề ra, nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, chung tay giải quyết thành công những vấn đề quốc tế, thời đại, xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, đi đến tương lai tươi đẹp như tâm nguyện Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa Xuân. Vui mừng trước vẻ đẹp của mặt trời mùa Xuân, chúng tôi sẽ đấu tranh cho một tương lai rực rỡ của Việt Nam, cho tương lai của nền dân chủ, của hòa bình trên toàn thế giới và của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi là những kẻ chiến thắng hiện tại cũng như trong tương lai”(23).

_________________

(1), (2), (4), (6), (9), (17), (18), (20), (22) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.326, 232, 22, 24, 226, 236, 27, 212, 37-38.

(3), (7), (8), (10), (12), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.19, 611-612, 414-415, 355, 362, .280, 419, 301 .

(5), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.70, 88.

(11), (13) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.15, 24.

(16) UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb Sự thật, Hà Nội 1990, tr.102-103.

(21) Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

(23) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội,2023, tr.236.

Theo Tạp chí Lý luận chính trị