Tổng công ty Đường sắt Malaysia ghi nhận thua lỗ hàng chục tỷ USD

Ngọc Quỳnh

Ngày 02/12, KTNN Malaysia đã phát hành Báo cáo kiểm toán năm 2018, trong đó đặc biệt chỉ trích những yếu kém trong công tác quản lý và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt quốc gia Malaysia Keretapi Tanah Melayu Berhad (KTMB), dẫn đến khoản thua lỗ 2,83 tỷ Ringgit (khoảng 11,8 tỷ USD) tính đến ngày 31/12/2018.

Tổng công ty Đường sắt Malaysia sau kiểm toán ghi nhận thua lỗ hàng chục tỷ USD.
Tổng công ty Đường sắt Malaysia sau kiểm toán ghi nhận thua lỗ hàng chục tỷ USD.

Khai thác đường sắt thua lỗ, không đạt hiệu quả như mong muốn

Theo Báo cáo của KTNN Malaysia, KTMB chưa được trao quyền tự do ra quyết định, đặc biệt là về hoạt động và vấn đề sử dụng tài sản của Cơ quan này. “Điều này gián tiếp góp phần gây ra tình hình tài chính không ổn định của KTMB, do Cơ quan này hầu như chỉ lệ thuộc vào các khoản thu đến từ việc bán vé tàu hỏa”, Báo cáo nhận định. 

Báo cáo kiểm toán cho thấy, hoạt động của các tuyến tàu hỏa còn chưa hiệu quả, đặc biệt, các tuyến tàu nội đô và ngoại ô hiện đang thua lỗ từ 39,8 triệu Ringgit đến 77,7 triệu Ringgit trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7/2019.

Cuộc kiểm toán cũng chỉ ra những yếu kém trong việc thực hiện và cung cấp dịch vụ đường sắt của KTMB, điển hình là việc số lượng hành khách và doanh thu từ các chuyến tàu không đạt hiệu quả như mong muốn. “Số lượng hành khách thực tế và doanh thu cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng từ năm 2016 đến tháng 7/2019”, Báo cáo ghi rõ.

Sự yếu kém trong hoạt động đường sắt của KTMB còn có nguyên nhân từ việc Dự án Tàu điện đường đôi Klang Valley Electrified Double Track (KVDT) bị trì trệ. Sự chậm trễ của Dự án này dẫn đến sự thay đổi lộ trình hằng ngày của khoảng 74% hành khách và có tới 62,6% số hành khách thường xuyên của KTMB chuyển sang sử dụng phương thức di chuyển khác. Không chỉ thế, thời gian chờ của các tuyến tàu hỏa cũng dài hơn, lên tới 4 tiếng 16 phút so với thời gian chờ đặt ra là 45 phút do Cục Giao thông đường bộ (APAD) nước này ấn định trước đó.

Báo cáo cũng chỉ trích rằng công tác duy tu, bảo dưỡng các tàu không được thực hiện một cách hiệu quả, không được tiến hành theo lịch trình quy định. Hệ thống kiểm soát vé tàu mới mà KTMB xây dựng kém hiệu quả, theo đó, trong giai đoạn từ tháng 12/2016 đến tháng 7/2019, đã có 36.860 khiếu nại, phàn nàn của người dân về Hệ thống này.

Dựa trên phạm vi của cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia kết luận rằng, các mục tiêu hoạt động của KTMB đã không được hiện thực hóa như dự kiến ban đầu. 

Cần tăng quyền tự chủ cho KTMB

Trong Báo cáo kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã đưa ra một số khuyến nghị về mô hình quản lý của KTMB, trong đó có việc tăng cường quyền tự chủ và ra quyết định song song với các mục tiêu tư nhân hóa. Báo cáo nhận định, sự đóng góp của khu vực tư nhân dưới hình thức đầu tư về vốn và kỹ năng đã cho phép cải tiến các dịch vụ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế. 

Ngoài ra, Cơ quan Kiểm toán quốc gia cũng khuyến nghị KTMB cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Dự án KVDT và phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải nước này nhằm tránh những chậm trễ không đáng có trong cung cấp các dịch vụ đường sắt, giảm thiểu thua lỗ. 

Được biết, từ năm 1992 đến tháng 7/2019, KTMB đã tiếp nhận 1,46 tỷ Ringgit hỗ trợ tài chính từ Bộ Tài chính Malaysia nhằm hiện đại hóa hệ thống đường sắt quốc gia. Hàng loạt các siêu dự án đã ra đời từ đó, đặc biệt phải kể đến Dự án Đường sắt bờ đông (ECRL). Dự án ECRL được khởi động vào năm 2017, dự kiến dài 688 km, nhằm kết nối bờ biển phía Đông Malaysia với tuyến đường thủy nhộn nhịp qua eo biển Malacca ở phía Tây. Chính phủ Malaysia từng bày tỏ lo ngại và tạm dừng Dự án này do chi phí quá lớn, trong khi đất nước đang phải giải quyết khối nợ khổng lồ mà chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak để lại. 

Song mới đây, Chính phủ Malaysia đã chấp thuận khôi phục lại siêu Dự án ECRL, sau khi đạt thỏa thuận với nhà thầu Trung Quốc để giảm gần 1/3 chi phí, từ 16 tỷ USD trong kế hoạch ban đầu xuống còn 10,7 tỷ USD. Thỏa thuận được thông qua sau nhiều tháng đàm phán giữa Chính phủ 2 nước và các công ty liên quan, giúp giảm nhẹ đáng kể gánh nặng tài chính quốc gia. Văn phòng Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết: “Việc cắt giảm chi phí chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Malaysia và giảm nhẹ gánh nặng lên tình hình tài chính của đất nước”.