Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp kịp thời, đảm bảo chất lượng và số lượng hàng dự trữ quốc gia


Năm 2019, được sự chỉ đạo kịp thời của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị quản lý hàng dự trữ quốc gia, sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, cùng với truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của toàn thể công chức, viên chức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác. Đây chính là tiền đề quan trọng để toàn Ngành vững tin bước sang năm 2020, thi đua lập nhiều thành tích to lớn hơn nữa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính (28/8/1945 - 28/8/2020).

Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác.
Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật trên các mặt công tác.

Hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao

Năm 2019, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã hoàn thành 100% kế hoạch nhập lương thực. Việc hoàn thành mua đủ số lượng 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc đã góp phần hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chủ động có đủ nguồn gạo để thực hiện xuất cấp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, công tác xuất cứu trợ, hỗ trợ các địa phương dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, dự án trồng rừng, khắc phục hậu quả thiên tai được Tổng cục DTNN thực hiện khẩn trương kịp thời. Các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ đã chủ động phối hợp với các đơn vị được UBND cấp tỉnh giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo nên việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương được bảo đảm kịp thời, đủ số lượng, an toàn tuyệt đối về số lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của các tỉnh. Đồng thời, các Cục DTNN khu vực đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của địa phương và Trung ương để tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ gạo.

Tính đến 17/12/2019, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền đã có các quyết định xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.376 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính đã xuất cấp hàng trị giá khoảng 1.152 tỷ đồng, trong đó, về lương thực, đã xuất tổng số 110.784 tấn gạo trị giá khoảng 1.093 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán 7.805 tấn gạo; Hỗ trợ thiên tai mưa lũ 3.880 tấn; Hỗ trợ giáp hạt 6.754 tấn; Hỗ trợ dự án trồng rừng 17.895 tấn...

Về vật tư, thiết bị, Tổng cục DTNN đã xuất cấp vật tư, thiết bị theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để cấp cho bộ, ngành, địa phương để phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn với tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng gồm: 2.791 bộ nhà bạt các loại.

Tổng cục DTNN đã phối hợp hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng dự trữ quốc gia theo quy định tại Thông tư số 130/2014/TT-BTC ngày 09/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã thành lập các đoàn kiểm tra, phúc tra chất lượng hàng nhập kho trong năm 2019. Cụ thể, Tổng cục DTNN đã kiểm tra công tác quản lý chất lượng lương thực dự trữ quốc gia nhập kho tại 22 Cục DTNN khu vực với 388 mẫu (258 mẫu gạo và 130 mẫu thóc). Nhờ đó, hàng DTQG được bảo quản an toàn đủ về số lượng, chất lượng đảm bảo.

Tổng cục DTNN cũng đã thực hiện 07 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiểm tra, kiểm toán nội bộ và kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng theo phê duyệt của Bộ Tài chính và Tổng cục DTNN, đạt 100% kế hoạch. Các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra đầy đủ tính pháp lý, đảm bảo tính thực tiễn, tính khả thi cao nên được các đơn vị, đối tượng thanh tra, kiểm tra nghiêm túc tiếp thu, thực hiện...

Hàng dự trữ quốc gia xuất cấp cho các địa phương đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ; giúp nhân dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.

Về công tác cải cách hành chính, Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch cải cách hành chính năm 2019, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính để đạt được mục tiêu trong kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 của Tổng cục, từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ và Bộ Tài chính giao.

Cùng với đó, Tổng cục DTNN đã xây dựng kế hoạch biên chế tiền lương và trình Bộ Tài chính giao chỉ tiêu biên chế năm 2020; hướng dẫn các đơn vị thực hiện tinh giản biên chế năm 2019 đối với 02 trường hợp đã được Bộ Tài chính phê duyệt; trình Bộ thực hiện tinh giản biên chế...

Song song với đó, Tổng cục DTNN thường xuyên chú trọng thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức trong toàn Ngành. Cụ thể, năm 2019, Tổng cục DTNN đã mở 02 lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch Thủ kho bảo quản cho 157 công chức; 01 lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch Kỹ thuật viên bảo quản cho 66 công chức; 01 lớp bồi dưỡng quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia đối với 72 công chức; 05 lớp bồi dưỡng về công nghệ thông tin; cử 01 công chức tham dự đào tạo Tiến sĩ; cử 168 lượt công chức, viên chức đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài ngành tổ chức.

Về công tác hợp tác quốc tế, Tổng cục DTNN đã triển khai theo kế hoạch Bộ Tài chính phê duyệt, tổ chức 03 đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm về lĩnh vực Dự trữ Nhà nước tại Thụy Sĩ, Australia và Ấn Độ. Đồng thời, Tổng cục DTNN, Tổng cục DTNN cũng đã có buổi làm việc và tiếp đoàn cán bộ Cục DTNN Liên bang Nga sang thăm và làm việc tại Tổng cục DTNN.

Vững vàng bước sang năm 2020

Năm 2020, Tổng cục DTNN đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; chủ động đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa theo định hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao”.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ này, Tổng cục DTNN tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Dự trữ quốc gia. Xây dựng và ban hành định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và trọng tâm là quản lý chất lượng hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành DTQG; trình Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030; trình Bộ ban hành 04 thông tư.

Cùng với đó, tập trung đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được giao theo đúng quy định; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhập hàng kế hoạch được giao; thẩm định và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn, chi phí liên quan đến nhập, xuất và bảo quản hàng DTQG hàng năm của các bộ, ngành theo quy định.

Tổng cục DTNN chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Về công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, Tổng cục DTNN thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa thông qua thanh tra, kiểm tra hàng hóa ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và xuất kho; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời diễn biến chất lượng hàng hóa từ khi nhập kho đến khi xuất kho; chỉ đạo các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố, đảm bảo chất lượng hàng hóa trong quá trình lưu kho bảo quản.

Tổng cục DTNN cũng sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện các đề án cơ chế, chính sách quản lý nội ngành, trọng tâm là các tiêu chuẩn, định mức, các đề án tổ chức bộ máy các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục DTNN; tăng cường rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Tổng cục; làm tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để từng bước bổ sung cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo cho ngành DTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp kịp thời, đảm bảo chất lượng và số lượng hàng dự trữ quốc gia - Ảnh 1