Tổng cục Hải quan: Ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2019
Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2019 của ngành Hải quan yêu cầu thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc làm thường xuyên, liên tục của người đứng đầu đơn vị từ việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện đến việc kiểm tra, đôn đốc và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.
Theo đó, tại Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2019, ngành Hải quan đặt mục tiêu thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; Thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về hoạt động công vụ, thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp…
Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn, trong đó tập trung: Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao; Nâng cao hệ thống, phần mềm quản lý của ngành Hải quan; Áp dụng tiêu chí cảnh báo để phát hiện, ngăn chặn doanh nghiệp lợi dụng gian lận; Triển khai áp dụng thực hiện nghiêm túc quy định về "Quy chế kiểm tra công vụ và xử lý, kỷ luật đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan"; …
Công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng đối với đơn vị hải quan các cấp cũng sẽ được chú trọng thực hiện. Tổng cục Hải quan yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xây dựng kế hoạch tự kiểm tra nhằm tăng cường kiểm tra nội bộ tại các Chi cục, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm của công chức thừa hành (nếu có).
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, ngành Hải quan tiếp tục duy trì tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng tại Tổng cục Hải quan và các đơn vị cơ sở. Đồng thời, hiện đại hóa hải quan thông qua vận hành hiệu quả Hệ thống dịch vụ công trực tuyến; hệ thống quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, sân bay; nộp thuế điện tử 24/7…
Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, đồng thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng (nếu có). Đặc biệt, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị Hải quan các cấp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đơn vị là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phòng, chống tham nhũng trong ngành Hải quan, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Công tác xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện nghiêm theo đúng quy định của Tổng cục Hải quan và các quy định khác có liên quan.
Trước đó, trong năm 2018, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Quyết định số 2799/QĐ-TCHQ về quy chế kiểm tra công vụ và xử lý vi phạm của công chức trong ngành Hải quan. Quy chế đã định danh hơn 300 hành vi vi phạm, tương ứng với đó là các chế tài xử lý từ nhắc nhở, phê bình đến kỷ luật buộc thôi việc… Từ đó, tùy theo tính chất mức độ, đưa ra quy định chế tài xử lý đối với từng hành vi vi phạm tương ứng.