Tổng cục Hải quan xử lý nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ

PV.

Theo Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), qua 4 năm triển khai Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II 2012-2015, Tổng cục Hải quan cùng 8 bộ, ngành khác đã thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tổng cục Hải quan xử lý nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Nguồn: internet
Tổng cục Hải quan xử lý nhiều vụ vi phạm sở hữu trí tuệ. Nguồn: internet

Theo đó, thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, qua 4 năm triển khai, các lực lượng đã chủ trì, phối hợp tiến hành thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận gần 26.000 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả.

Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, cảnh cáo 68 vụ việc, phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự).

Đồng thời, tịch thu, buộc tiêu hủy, loại bỏ yếu tố vi phạm đối với 980 tấn thực phẩm chức năng các loại; 80.900 tấn phân bón; 45.678 hộp mỹ phẩm; gần 27.000 sản phẩm thuốc tân dược; 523.000 bao thuốc lá; 160.559 đĩa CD-VCD không tem nhãn có nguồn gốc nhập lậu; hàng chục nghìn chai rượu ngoại các loại và hàng triệu sản phẩm điện, điện tử, túi xách, giày dép, quần áo thời trang, lương thực, thực phẩm giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền đối vứi các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Tổng cục Hải quan cho biết, trong những năm qua, Tổng cục đã tổ chức nhiều khóa tập huấn chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, chống hàng giả cho cán bộ chuyên trách; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện các chương trình tuyên truyền về công tác đấu tranh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả tại biên giới.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với Tổ chức Hải quan thế giới, Tổ chức Cảnh sát quốc tế cũng như nhiều tổ chức nước ngoài hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, giải đáp vướng mắc trong quá trình thực thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả trong ngành Hải qua.

Nhờ đó, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã xử lý theo đơn yêu cầu của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đề nghị kiểm tra, giám sát tại biên giới, bắt giữ và xử lý một khối lượng lớn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng thời trang, linh kiện máy tính điện tử…

Điển hình có thể kể đến như: Vụ giả mạo nhãn hiệu Louis Vuitton, Ray ban Calvin Klenin… đã xử phạt vi phạm hành chính 238 triệu đồng, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm gắn trên 1.821 sản phẩm vi phạm. Vụ giả mạo nhãn hiệu Sony gắn trên 4.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em, xử phạt vi phạm hành chính 225 triệu đồng…​

Để nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thanh kiểm tra; phối hợp tổ chức thanh kiểm tra; xử lý vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho cả công chúng và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; đào tạo cán bộ đầu mối về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các Ngành, các cấp và địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, đại diện chủ thể quyền; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ.