Kiên quyết “trục xuất” container phế liệu chây ì tại cảng biển


Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2019, số lượng container phế liệu được lưu giữ tại cảng biển là 8.748 container. Trong đó, có 3.102 container được lưu dưới 30 ngày, 46 container lưu tại kho, bãi từ 30 - 90 ngày và 5.600 container tồn đọng tại kho, bãi, cảng trên 90 ngày.

Hàng nghìn container vô chủ tồn đọng tại các cảng biển.
Hàng nghìn container vô chủ tồn đọng tại các cảng biển.

Hiện nay, tình trạng một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang lợi dụng việc giảm phí, tận dụng phí gửi tại bãi cảng rẻ để chây ì, biến cảng biển thành kho hàng. Do đó, các đơn vị cảng biển cần phối hợp với cơ quan hải quan thường xuyên rà soát, container phế liệu nào quá hạn thì thanh lý theo quy định nếu không có người đến nhận.

Tình trạng container vô chủ tồn đọng tại cảng biển khiến các doanh nghiệp cảng thiệt hại hàng triệu USD, do phải bỏ chi phí di dời container, giải phóng diện tích kho, bãi phục vụ hoạt động kinh doanh, theo đó, các cảng biển đang cần một cơ chế xử lí container tồn đọng một cách triệt để.

Theo thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15/11/2019, hơn 2.900 container vẫn đang tồn đọng tại khu vực cảng biển TP. Hồ Chí Minh, trong đó Cát Lái là cảng có số container tồn đọng nhiều nhất với 2.778 container.

Đại diện cảng Cát Lái cho biết, hiện tại, số container này đã nằm “bất động” gần 2 năm nay chưa có người đến nhận, trong đó, khoảng 80% là hàng container nhựa phế liệu. “Để giải phóng diện tích kho, bãi, doanh nghiệp cảng thường xuyên phải tiến hành di dời, đảo chuyển container phế liệu về các cảng: Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, ICD Long Bình… với chi phí hàng trăm nghìn USD”, đại diện này cho hay.

Tuy nhiên, nếu so với đợt cao điểm năm 2018 (10.000 container) thì đây là một kết quả đáng ghi nhận. Tính chung trong cả nước tới tháng 9, số container khai báo trên E-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển khoảng 10.900 container, giảm khoảng 13.000 container so với thời điểm tháng 1/2019 (24.200 container).

Còn tại Cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng), hiện đang là một trong những cảng có số lượng container tồn đọng lớn nhất khu vực phía Bắc với 1.700 container chưa có người đến nhận. Trong đó, có khoảng 1.100 container là mặt hàng lốp xe cũ. Số container còn lại chứa các loại giấy, nhựa phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng Nam Hải - Đình Vũ cho biết, Cảng Nam Hải - Đình Vũ có sức chứa 10.000 Teus, nhưng lượng container tồn lên đến hơn 3.500 Teus, chiếm hơn 1/3 công suất tại cảng. Để giải phóng kho, bãi duy trì hoạt động tiếp nhận hàng hóa, cảng đã di chuyển số container này đến cảng cạn để gửi tạm.

Theo ông Tuấn, ước tính, trong khoảng thời gian 2 - 3 năm nay, chi phí lưu bãi cảng phải trả cho cảng cạn (ICD) lên 800.000 USD, chưa kể chi phí vận chuyên từ cảng biển sang ICD khoảng hơn 200.000 USD.

Cũng theo ông Tuấn, từ tháng 5/2019, cảng Nam Hải - Đình Vũ đã áp dụng chính sách giảm chi phí lưu kho, bãi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. “Mức giảm phí dao động từ 50 - 70%, thậm chí, những container hàng giá trị thấp như giấy, cảng chấp nhận miễn hoàn toàn phí gửi. Tuy vậy, trong 6 tháng nay, số doanh nghiệp đến rút hàng vẫn rất ít, trung bình mỗi tháng, cảng chỉ giải phóng được 100 container”, ông Tuấn nói.

Theo ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải Việt Nam), để có được các giải pháp triệt đê đối với số container vô chủ, ngoài việc phối hợp với bộ, ngành kiểm soát chặt chẽ các lô hàng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đưa về Việt Nam, Cục Hàng hải đã yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu biển báo cáo thông tin về chủ của các lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng.

Ông Trịnh Thế Cường cho biết, thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Cục Hàng hải Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp cảng biển phải thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, đốc thúc hãng tàu báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng.

“Cục Hàng hải cũng yêu cầu doanh nghiệp cảng biển thực hiện miễn giảm giá dịch vụ lưu kho, lưu bãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu rút hàng về, kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định”, ông Cường nói.

Hiện nay, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang nghiên cứu cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp lấy được những lô hàng nhập khẩu đáp ứng đủ quy định ra sớm, tránh tình trạng một doanh nghiệp nhập về 5 container, trong đó có 1 container vướng thủ tục mà bắt 4 container khác nằm chờ cùng.

Vừa qua, trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tài chính đã tiếp tục có văn bản đề xuất Chính phủ hướng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Theo đề xuất, Tổ công tác liên ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Mội trường; Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp sẽ được thành lập để chỉ đạo Hội đồng xử lý hàng hóa tại Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai xử lý các lô hàng phế liệu vô chủ.

Với những lô hàng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu hết thời hạn thông báo theo quy định nhưng không có người đến nhận, Hội đồng xử lý hàng hóa phải phối hợp với tổ chức giám định kiểm kê, phân loại. Nếu hàng tồn đọng là phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, cơ quan hải quan phải yêu cầu hãng tàu vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Trường hợp hãng tàu cố tình không vận chuyển, cơ quan hải quan lập danh sách làm cơ sở kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học - Công nghệ có biện pháp xử lý hoặc dừng cấp phép ra, vào cảng biển Việt Nam.