Tổng quan kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2014
(Tài chính) Mặc dù 6 tháng đầu năm 2014 có nhiều yếu tố không thuận lợi cho phát triển kinh tế, song Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp tích cực. Nhờ đó, về cơ bản nền kinh tế vẫn phát triển với tốc độ hợp lý, một số mặt đạt tốc độ tăng cao hơn so cùng kỳ năm 2013. Triển vọng kinh tế cả năm 2014 sẽ đạt được những mục tiêu chủ yếu do Quốc hội đề ra.
Tổng quan 6 tháng đầu năm
Tăng trưởng kinh tế chung
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,09%; quý II tăng 5,25%. Trong mức tăng 5,18% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,96%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,33%, đóng góp 2,06 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,01%, đóng góp 2,57 điểm phần trăm. Như vậy, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2014 cao hơn cùng kỳ năm 2013 (tăng 4,9%), là một kết quả đáng ghi nhận, đánh dấu sự hồi phục của nền kinh tế trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn.
Về cơ cấu kinh tế, 6 tháng đầu năm 2014, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,70%; khu vực dịch vụ chiếm 43,61%. Tỷ trọng của 2 khu vực công nghiệp và dịch vụ đều cao hơn năm 2013, đánh dấu sự chuyển dịch cơ cấu ngành là đúng hướng.
Tình hình tài chính, ngân hàng lành mạnh
Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến cuối tháng 6 đạt 53%. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2014 ước tính đạt 449,4 nghìn tỷ đồng, bằng 44,6% dự toán năm.
Trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại đều giảm đến mức thấp so với năm 2013 nên đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Tính đến cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 3,8% - 4% so với cuối năm 2013, như vậy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu phát huy tác dụng.
Các ngành sản xuất - kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi với tốc độ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2013
Sản xuất công nghiệp tăng khá: Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013. Tại thời điểm 01/6/2014, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm như sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất; sản phẩm từ cao su, plastic; chế biến thực phẩm; điện; dệt; xe có động cơ; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 6 tháng đầu năm tính theo giá so sánh của năm 2010 ước tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp tăng 2,5%; lâm nghiệp tăng 5,9% và thuỷ sản tăng 6%.
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay ước tính đạt 3.116,3 nghìn ha, tăng 10,7 nghìn ha và bằng 100,3% vụ đông xuân năm 2013. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh giảm.
Trong 6 tháng đầu năm, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác đạt 2.616 nghìn m3, tăng 8,5%; củi đạt 15,4 triệu ste, tăng 3,2%.
Thủy sản vẫn phát triển cả nuôi trồng, đánh bắt. Sản lượng thủy sản 6 tháng đạt trên 3,86 triệu tấn tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Đầu tư phát triển đạt khá, nhưng thu hút FDI giảm
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện 6 tháng theo giá hiện hành ước đạt 502,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ (FDI) đầu năm đến thời điểm 20/6/2014 thu hút được 656 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 4.858,3 triệu USD, giảm 5,1% về số dự án và giảm 6,8% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời có 219 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 1.994 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 6.852,3 triệu USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.
Cả nước có 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong 6 tháng, trong đó TP. Hồ Chí Minh có số vốn đăng ký lớn nhất với 796,3 triệu USD, chiếm 16,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Hải Dương, Bình Dương, Long An.
Trong số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 6 tháng, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 23,5% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp theo là Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) chiếm 17,9%; Singapore chiếm 11,5%; Nhật Bản chiếm 9%...
Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Xuất khẩu tăng khá: Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng tương ứng của cả nước.
Về thị trường xuất khẩu trong 6 tháng, EU vươn lên vị trí dẫn đầu với tổng kim ngạch ước tính đạt 13,1 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013. Đứng thứ 2 là Hoa Kỳ và tiếp theo là thị trường ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 69,6 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức tăng cao.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu,Trung Quốc đạt 20,4 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2013 (nhập siêu từ thị trường Trung Quốc ước đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2%); ASEAN đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,9%; Hàn Quốc đạt 10,4 tỷ USD, tăng 4,7%; Nhật Bản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 1,5%; EU đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5%; Hoa Kỳ đạt 3,2 tỷ USD, tăng 24%.
Xuất siêu 6 tháng đầu năm là 1,3 tỷ USD.
Thị trường trong nước vẫn trầm lắng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 tăng 1,38% so với tháng 12/2013. Như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2014 đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nếu với tốc độ này tiếp tục trong các tháng cuối năm thì mục tiêu kiềm chế lạm phát của năm 2014 sẽ được thực hiện vượt mức đề ra.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ước tính đạt 4.287,9 nghìn lượt người, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong tháng 6/2014, chỉ có 539,7 nghìn lượt khách, giảm 19,9% so với tháng 5, trong đó giảm nhiều nhất là khách đến với mục đích du lịch thuần túy (với mức giảm 21,2%). Đáng lưu ý là số khách Trung Quốc giảm 29,5% so với tháng trước. Khách quốc tế đến Việt Nam qua các cửa khẩu tuyến Trung Quốc trong tháng 6 giảm 50% .
Tóm lại, bức tranh tổng quát kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng GDP cao hơn cùng kỳ năm 2013, xu hướng tăng quý II cao hơn quý I. Các ngành sản xuất và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khá. Tình hình tài chính, ngân hàng ổn định, thu chi ngân sách đạt khá. Những khó khăn khách quan tuy có tác động đến thu hút FDI và khách quốc tế nhưng không ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô cả nước và đang được khắc phục bằng nhiều giải pháp có hiệu quả của Nhà nước và các doanh nghiệp.
Dự báo cả năm 2014
Trong 6 tháng cuối năm 2014, tình hình kinh tế nước ta dự báo sẽ tiếp tục xu hướng đã diễn ra trong 6 tháng đầu năm, nhưng tốc độ tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sẽ cao hơn. Hai khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ triển vọng có khởi sắc và tăng trưởng nhanh hơn 6 tháng đầu năm. Các dấu hiệu đó đã được thể hiện trong quý II/2014 nhất là ngành công nghiệp và xây dựng. Tuy nhiên, do biến động thị trường Trung Quốc nên xuất nhập khẩu và du lịch có thể bị ảnh hưởng nhất định nhưng không lớn.
Trên cơ sở đó, có thể dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2014 sẽ đạt khoảng 5,6% - 5,8%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,9%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,51% và khu vực dịch vụ tăng 6,1%. Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo xu hướng 6 tháng đầu năm.
Chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng cuối năm có thể sẽ cao hơn so với đầu năm chủ yếu là do hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, sức mua được cải thiện, lượng tiền lưu thông trên thị trường tăng vì các ngành, địa phương thực hiện những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, dịch vụ theo những chương trình, dự án của Chính phủ. Thêm vào đó, lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, thủ tục cho vay được cải thiện, nhất là cho vay mua nhà ở xã hội… Dự báo chỉ số CPI cả năm 2014 sẽ ở mức 6% - 6,5% so với năm 2013, thấp hơn kế hoạch tăng 7%.
Dự báo một số ngành và lĩnh vực sẽ có tốc độ tăng trưởng khá hơn 6 tháng đầu năm. Cụ thể công nghiệp sẽ đạt mức tăng cả năm là 6,1% so với 5,8% của 6 tháng đầu năm.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản sẽ đạt mức 3,6% so với năm 2013 và 3,4% so với 6 tháng đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu dự báo tăng 16,5% so với 14,9% trong 6 tháng đầu năm (Quốc hội giao cho ngành Công Thương chỉ tiêu tăng trưởng 10%); trong đó khu vực FDI chiếm 69% và tăng trên 21% (6 tháng đầu năm khu vực FDI chiếm 67% và tăng trưởng 17% so cùng kỳ).
Như vậy, mục tiêu tăng GDP là 5,8% do Quốc Hội đề ra cho năm 2014 hy vọng sẽ thành hiện thực. Song, để đạt mức tăng trưởng như dự báo không phải dễ vì khó khăn bất cập còn nhiều, thiên tai, nhất là mùa mưa bão, lũ mới bắt đầu và diễn biến phức tạp sẽ tác động tiêu cực đối với sản xuất và dịch vụ, đặc biệt trong nông nghiệp, xây dựng.
Một số giải pháp
Để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2014, trong những tháng cuối năm cần tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách.
Các ngành, địa phương cần tránh việc xây dựng các công trình mang tính tự phát, chồng chéo, không theo kế hoạch quy hoạch cụ thể. Chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở và người lao động để có đủ năng lực sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch về tài chính trong hoạt động đầu tư.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm nhập khẩu; đồng thời, tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức phù hợp trong đổi mới công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý; tăng tính chủ động trong nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cũng như năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường; đồng thời phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới, có phương án sản xuất khả thi cho từng mặt hàng.
Mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng, gồm cả thị trường lớn, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để giảm dần sự lệ thuộc vào một đối tác. Kết hợp vừa xuất khẩu những mặt hàng có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới, vừa xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có trong nước.
Tích cực tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại và khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để hội nhập quốc tế sâu hơn.
Một số giải pháp trên đây nếu thực hiện tốt sẽ là tiền đề vật chất và động lực tinh thần để đưa nền kinh tế nước ta vượt qua những thách thức, khó khăn trước mắt nhằm đạt và vượt mức tăng trưởng mà kế hoạch đã đề ra.