Tổng trị​ giá xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 450 tỷ USD


Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2019) đạt 22,09 tỷ USD, tuy giảm 10,7% (tương ứng giảm 2,65 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10/2019, nhưng lũy kế từ đầu năm đến 15/11, cả nước vẫn xuất siêu 9,18 tỷ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 tổng trị​ giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% (tương ứng tăng 31,83 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 thâm hụt 26 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến đến hết ngày 15/11/2019 cán cân thương mại hàng hóa của cả nước vẫn đạt thặng dư 9,18 tỷ USD.

Trong đó, nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có trị giá xuất, nhập khẩu đạt 13,51 tỷ USD, giảm 11,2%, tương ứng giảm 1,71 tỷ USD so với nửa cuối tháng 10/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019, nhóm doanh nghiệp FDI có trị giá xuất nhập khẩu 284,48 tỷ USD, tăng 3,7%, tương ứng tăng 10,1 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018. Cán cân thương mại hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt thặng dư 1,22 tỷ USD trong nửa đầu tháng 11/2019 và tính đến hết ngày 15/11/2019 đạt 29,87 tỷ USD.

Biểu đồ 1: Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2019 và so với cùng kỳ năm 2018

Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Về xuất khẩu, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 đạt 11,03 tỷ USD, giảm 16% (tương ứng giảm 2,1 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 10/2019. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đạt 229,82 tỷ USD, tăng 8% (tương ứng tăng 17,07 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 10/2019, xuất khẩu trong kỳ 1 tháng 11/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 539 triệu USD, tương ứng giảm 19%; máy vi tính điện tử và linh kiện giảm 351 triệu USD, tương ứng giảm 18,2%; hàng dệt may giảm 135 triệu USD, tương ứng giảm 9,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 134 triệu USD, tương ứng giảm 13,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 127 triệu USD, tương ứng giảm 21,9%...

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 7,37 tỷ USD, giảm 17,2% (tương ứng giảm 1,53 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10/2019. Như vậy, tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 157,18 tỷ USD, tăng 4,4% tương ứng tăng 6,57 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2018 và chiếm 68,4% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Biểu đồ 2: Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất của Việt Nam, tính từ đầu năm đến nagỳ 15/11/2019 so với cùng kỳ năm 2018

Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2019 đạt 11,06 tỷ USD, giảm 4,7% (tương ứng giảm 549 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 10/2019. Tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 220,64 tỷ USD, tăng 7,2% (tương ứng tăng 14,76 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

So với nửa cuối tháng 10/2019, nhập khẩu trong kỳ 1 tháng 11/2019 biến động giảm ở một số mặt hàng: xăng dầu các loại giảm 180 triệu USD, tương ứng giảm 40,8%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 129 triệu USD, tương ứng giảm 17%; than các loại giảm 124 triệu USD, tương ứng giảm 56,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 106 triệu USD, tương ứng giảm 6,2%...

Trong đó, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 11/2019 đạt 6,15 tỷ USD, giảm 2,8% (tương ứng giảm 177 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 10/2019. Như vậy, tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 127,31 tỷ USD, tăng 2,8%, tương ứng tăng 3,52 tỷ USD, chiếm 57,7% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Theo ý kiến chuyên gia, với quy mô và tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt 500 tỷ USD trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng và quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu giai đoạn cuối năm thường cao hơn đầu năm.

Vì theo tiền lệ, cứ đến dịp cuối năm, tình hình xuất khẩu các mặt hàng như: Dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, nông, thủy sản… thường ở mức cao do nhu cầu hàng hóa phục vụ các ngày lễ tết tăng cao. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp mua sắm lớn nhất trên toàn cầu trong cả năm như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch ở Việt Nam và một số nước châu Á…

Bên cạnh bối cảnh Việt Nam đang tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu. Việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA sẽ tác động sâu, rộng tới nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, các doanh nghiệp cần phải tập trung tăng cường năng lực cạnh tranh, khắc phục những điểm yếu như tính không chuyên nghiệp, không đồng đều về mặt chất lượng, quy trình sản xuất... các doanh nghiệp cần cố gắng cập nhật những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực thi các FTA.