TP. Hồ Chí Minh chuyển dịch chiến lược FDI: Đón làn sóng công nghệ cao và chip bán dẫn

Thu Dịu

Ngay sau đổi mới, năm 1987, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (FDI). TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng tận dụng thời cơ, tiên phong đón làn sóng FDI đầu tiên vào Việt Nam. Trải qua gần bốn thập niên, đến nay TP. Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư nước ngoài lũy kế đến hết quý I năm 2025 với con số lên đến gần 59,1 tỷ USD.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 ((C4IR) tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: BTC
Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 ((C4IR) tại TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: BTC

Hành trình nâng tầm thu hút đầu tư

Trong làn sóng FDI đầu tiên đổ vào Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh đã đi tiên phong, trở thành điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế. Ngay từ năm 1988 – năm đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực – TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận những dự án FDI đầu tiên, với các nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc... chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến thực phẩm và sản xuất linh kiện điện tử.

Theo số liệu thống kê, đến cuối thập niên 1990, TP. Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tổng vốn đăng ký FDI. Tính đến năm 2000, riêng TP. Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 1.500 dự án FDI, chiếm khoảng 30% tổng số dự án FDI của cả nước thời điểm đó. Đây cũng là địa phương đầu tiên xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung theo mô hình hiện đại như Khu chế xuất Tân Thuận (1991) và Khu công nghiệp Linh Trung (1992), tạo bước đột phá trong thu hút dòng vốn quốc tế.

Không chỉ dẫn đầu về số lượng dự án và quy mô vốn, TP. Hồ Chí Minh còn tiên phong trong việc đa dạng hóa các ngành nghề thu hút FDI, mở rộng từ sản xuất công nghiệp nhẹ sang công nghệ cao, tài chính, bất động sản và dịch vụ. Các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng thành công của chính sách mở cửa, là “cửa ngõ” để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm sau đó.

Chia sẻ tại hội thảo “Công nghệ đóng gói, kiểm thử tiên tiến: Cơ hội cho Việt Nam” diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu chip bán dẫn tăng mạnh, đòi hỏi một hệ sinh thái toàn diện từ nghiên cứu, sản xuất đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhằm đón đầu xu thế, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai các chính sách theo Nghị quyết 98, Nghị quyết 193 của Quốc hội, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị cùng các chương trình phát triển công nghiệp bán dẫn và nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây là bước đi chiến lược để đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp vi mạch bán dẫn hàng đầu khu vực, thu hút các tập đoàn quốc tế như Intel, Marvell, BE Semiconductor Industries NV, Samsung, Nidec, Microchip..., đặc biệt trong việc xây dựng hệ sinh thái đào tạo và sản xuất vi mạch.

TP.HCM nhiều tiềm năng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn. 
TP.HCM nhiều tiềm năng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn. 

Những thay đổi trong cách tiếp cận và tư duy thu hút đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính, chỉ riêng quý I/2025, Thành phố thu hút được 1,425 tỷ USD, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 333 dự án cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đạt 421 triệu USD, 89 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 334 triệu USD và 528 dự án góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị 669 triệu USD. Lũy kế, đến nay TP.Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước, với 13.875 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 59,1 tỷ USD.

Không chỉ là những con số, chất lượng của các dự án FDI cũng cho thấy sự chuyển mình rõ rệt. Đầu năm 2025, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Trung tâm dữ liệu trị giá hơn 250 triệu USD của Tập đoàn CMC – một trong những mũi nhọn hạ tầng số chiến lược mà thành phố đang đẩy mạnh. Cùng lúc, 12 dự án phát triển nhà ở tại TP. Thủ Đức với tổng vốn lên tới hơn 33.000 tỷ đồng cũng cho thấy sức hút mới từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước.

Hội tụ tam giác vàng cho FDI công nghệ cao

Trong hành trình thu hút FDI vào TP. Hồ Chí Minh, không thể không nhắc tới vai trò của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại TP. Hồ Chí Minh suốt ba thập niên qua, các tập đoàn Hàn Quốc không chỉ mang vốn vào đầu tư, mà còn mang theo dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao và mô hình quản trị tiên tiến. 

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) nhận định: “Hàn Quốc đã đóng vai trò như một chất xúc tác thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp và nâng cao năng lực công nghệ của TP. Hồ Chí Minh”. Ông dẫn chứng: từ những nhà máy điện tử, dệt may ban đầu, đến nay các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, CJ đã đầu tư vào trung tâm R&D, trung tâm thiết kế, thậm chí dịch chuyển sang các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, logistics thông minh và công nghệ đô thị.

Quan hệ Việt – Hàn cũng ngày càng được “thiết chế hóa” qua các cam kết đầu tư xanh, hợp tác đào tạo nhân lực, chia sẻ công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. TP. Hồ Chí Minh đang dần trở thành cầu nối giữa nền kinh tế Việt Nam với chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Theo đánh giá của VKBIA, TP. Hồ Chí Minh đang sở hữu “tam giác vàng” để trở thành điểm đến FDI chất lượng cao đó là vị trí – hạ tầng – nhân lực. Với quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, hệ thống logistics hiện đại, mạng lưới khởi nghiệp sôi động, và hơn 100 trường đại học, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ các yếu tố mà các nhà đầu tư công nghệ hàng đầu thế giới tìm kiếm.

Những dự án tỷ đô trong lĩnh vực bán dẫn, AI chip, trung tâm dữ liệu đang được kỳ vọng sẽ mở ra chu kỳ tăng trưởng FDI mới – không chỉ về lượng mà quan trọng hơn là về chất. Đó là các dòng vốn gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, và cam kết phát triển bền vững.

Nhìn lại 50 năm, từ những dòng vốn đại trà ban đầu tập trung vào may mặc, da giày, đến hôm nay – khi TP. Hồ Chí Minh bước vào cuộc đua thu hút nhà đầu tư công nghệ cao toàn cầu – đó là một hành trình của bản lĩnh, thích nghi và đổi mới không ngừng.

Tương lai phía trước còn nhiều thử thách, từ cạnh tranh vùng miền đến áp lực hạ tầng và môi trường. Nhưng nếu tiếp tục giữ vững tinh thần “đi trước, về trước”, cải thiện thể chế, nâng cấp hạ tầng và nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm công nghệ - đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.

Chia sẻ về định hướng mở rộng đầu tư, hợp tác trong ngành công nghệ bán dẫn, vi mạch vào Việt Nam, ông Trần Kim Chung, Chủ tịch Tập đoàn CT Group cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn giữ vai trò cốt lõi trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2024, toàn cầu đã tiêu thụ hơn 1.000 tỷ chip, tương đương 125 chip/người – mức tiêu thụ vượt trội so với bất kỳ sản phẩm công nghệ nào, với tốc độ tăng trưởng hai con số mỗi năm. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

CT Group đang triển khai ba nhà máy lắp ráp, kiểm thử và đóng gói chip tại Việt Nam. Nhà máy đầu tiên sẽ khánh thành năm 2025 trên đường DT743, gần khu đô thị Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Nhà máy này vừa sản xuất vừa tạo cơ hội thực hành cho sinh viên. Nếu được hỗ trợ từ Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, CT Group sẽ tiếp tục xây dựng nhà máy thứ hai vào năm 2026./.