TP. Hồ Chí Minh: Đã giải ngân trên 4.500 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10%, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch huy động 620.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tăng cường tháo gỡ điểm nghẽn của các dự án tồn đọng nhằm tạo động lực, kích thích các nguồn lực vốn khác tham gia phát triển kinh tế.

Tính chung quý I/2025, vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách nhà nước do TP. Hồ Chí Minh quản lý ước thực hiện đạt gần 8.000 tỷ đồng, tương đương 9,5% kế hoạch năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2025.
Tính đến ngày 01/4/2025, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giải ngân trên 4.500 nghìn tỷ đồng, đạt 5,4% so với kế hoạch vốn năm 2025. Năm 2025, TP.Hồ Chí Minh bố trí hơn 36.400 tỷ đồng vốn đầu tư công cho lĩnh vực giao thông, chiếm 43% kế hoạch vốn đầu tư công.
Đến nay, tiến độ triển khai một số công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố khá khả quan. Đơn cử như Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) điều chỉnh tăng vốn từ 9.664 tỷ đồng lên 17.230 tỷ đồng, với 03 gói thầu (Gói XL-01, gói XL-02, gói XL-03). Hiện công tác giải phóng mặt bằng gói thầu XL-03 đã đạt hơn 87,7% tại quận Bình Thạnh và 61,6% tại quận Gò Vấp; dự kiến mặt bằng được bàn giao 100% vào đầu tháng 4/2025.
Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản hoàn thành thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12 vị trí nhà ga với tiến độ chỉ đạt hơn 35% kế hoạch. Dự kiến dự án sẽ được giao mặt bằng sạch trong quý III/2025 và khởi công hạng mục chính vào tháng 12 năm nay.
Đối với Dự án Thành phần 1 (đường Vành đai 3 Thành phố) khối lượng thi công đạt hơn 32% kế hoạch, đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công các gói thầu.
Khó khăn lớn nhất của dự án là thiếu vật liệu cát xây dựng, do vậy lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị nghiên cứu xây dựng cầu cạn bằng công nghệ mới ở những vùng đất yếu nhằm giảm lệ thuộc vào nguồn cát san lấp.
Dự án nút giao An Phú có 03 tầng (06 cây cầu, 02 hầm chui và đường nối vào các tuyến đường trọng điểm) tiến độ đạt hơn 63% tổng khối lượng. Dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục còn lại trong năm 2025, ngoại trừ 22.000 m² (khu vực đường Lương Định Của) chưa được bàn giao mặt bằng. Trong đó, hầm chui HC1 (hướng Long Thành - Dầu Giây về Mai Chí Thọ) đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng; các hạng mục còn lại như trạm bơm, những đốt hầm kín được gấp rút thi công được đẩy nhanh tiến độ và dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào dịp 30/4/2025.
Về Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với quy mô 1 tầng hầm, 4 tầng nổi, diện tích sàn 112.500 m², gồm 04 hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm này, tiến độ dự án đạt hơn 90% và dự kiến công trình sẽ hoàn thành sớm hơn 03 tháng so với kế hoạch, sẵn sàng đưa nhà ga vào vận hành, khai thác nhân dịp lễ 30/4/2025.