TP. Hồ Chí Minh khởi động nhiều dự án lớn trong năm 2022

Theo K.V(t/h)/dangcongsan.vn

Khép kín Vành đai 2, hoàn thiện pháp lý Vành đai 3, chạy thử Metro số 1… là những mục tiêu được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đặt ra trong năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, đây là những công việc Thành phố đã đề ra trong rất nhiều năm trước và cũng là mong mỏi của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân TP. Hồ Chí Minh nhưng vì nhiều lý do mà chưa triển khai được. Vì vậy, trong năm nay, Thành phố khởi động các dự án này, phấn đấu hoàn thành cuối nhiệm kỳ 2025.

Như vậy, sau nhiều năm chờ đợi, các dự án giao thông ở cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu được khởi động từ năm 2022; từ đó, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông những dịp cao điểm và mở ra việc kết nối liên vùng.

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022, có 3 dự án quan trọng ở cửa ngõ Thành phố sẽ được khởi công. Đây là tín hiệu vui bởi khi hoàn thành, các dự án không chỉ góp phần giảm ùn tắc ở cửa ngõ Thành phố mà còn có vai trò kết nối liên vùng. Theo đó, ở cửa ngõ phía Tây, dự án mở rộng quốc lộ 50 cũng đã được bố trí vốn và đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để có thể khởi công trong năm 2022. Dự án hoàn thành sẽ hình thành hệ thống mạng lưới giao thông liên vùng xuyên suốt, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Đối với dự án nút giao An Phú, trên địa bàn TP. Thủ Đức, hiện đã tổ chức thi tuyển kiến trúc và đang chuẩn bị hoàn chỉnh các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu tiến độ triển khai thuận lợi, dự kiến dự án sẽ được khởi công vào cuối năm 2022. Khi dự án nút giao thông An Phú hoàn thiện sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Từ đó, dự án cũng góp phần tăng kết nối với cao tốc, nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, góp phần phát triển kinh tế.

Tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, dự án đường nối Cộng hòa - Trần Quốc Hoàn với vốn đầu tư hơn 4.848 tỷ đồng. Hiện Thành phố đã duyệt dự án đầu tư và dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022.

Riêng tuyến đường nối với nhà ga T3 và được coi là cửa ngõ ra vào thứ 2 của sân bay Tân Sơn Nhất, hiện các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các thủ tục về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao cho chủ đầu tư.

Trong năm 2022, dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng được bố trí 1.000 tỷ đồng vốn ban đầu. Với chiều dài 33 km, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là tuyến kênh dài nhất TP. Hồ Chí Minh hiện nay, chảy qua 7 quận, huyện của Thành phố. Dự án có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng này sau khi hoàn thiện được cho là sẽ thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần cải thiện đời sống cho khoảng 2 triệu người dân trong lưu vực rộng gần 15.000 ha. Dự án này đảm bảo 3 tiêu chí lớn gồm: Giảm ngập nước, giải quyết ô nhiễm môi trường và giải quyết ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh cho hay, trong năm 2022, Thành phố cũng sẽ tập trung, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư dự án hoàn tất thủ tục trình cấp thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như: Các tuyến vành đai 2, 3, 4; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài; TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.