Phục hồi nền kinh tế trên quan điểm "tiếp biến"
Đại dịch COVID-19 đã gây nên những tác động nặng nề và kéo dài đối với nền kinh tế toàn cầu, kể các các nền kinh tế lớn.
Theo ước tính của Word Bank, thế giới mất gần 10.300 tỷ USD trong năm 2020-2021, kéo theo một lực lượng lao động tương đương hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Lao động Thế giới, đại dịch COVID-19 làm giảm hơn 100 triệu việc làm trong năm 2021 và 26 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2022. Chính điều này khiến các quốc gia đã phải thay đổi chiến lược chống dịch cứng là “nói không với COVID” sang chiến lược chống dịch mềm là “sống chung an toàn với COVID”.
Việt Nam cũng không thoát khỏi guồng quay đó, khi đến thời điểm hiện tại, theo tính toán sơ bộ của Ban Kinh tế Trung ương, thiệt hại kinh tế trong hai năm 2020-2021 theo thời giá hiện hành lên tới 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD...
Còn theo công bố của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến thời điểm 31/12/2021, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể là 119.828 doanh nghiệp, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục.
Khó khăn chồng chất khó khăn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục bị khai tử nếu thiếu đi một tầm nhìn và chiến lược “tiếp biến” đúng đắn trong giai đoạn hiện nay…
Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng hiện nay?
Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, quyết định để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội và đời sống sinh hoạt của người dân.
Và mới đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chương trình Phục hồi, phát triển kinh tế xã hội không chỉ khắc phục hậu quả của khủng hoảng do y tế, mà còn tính toán về lâu dài là cơ cấu, cấu trúc lại nền kinh tế để hướng tới phát triển theo hướng xanh, số và bền vững”. Tôi cho rằng, đó là tầm nhìn và quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng về câu chuyện tiếp nhận và thay đổi chính mình để vực dậy và phục hồi nền kinh tế bị tổn thương do đại dịch..., hay còn gọi là nguyên tắc “Tiếp biến”.
Một nền kinh tế tiếp biến đòi hỏi một tư duy đa chiều hơn thay vì cách tiếp cận đơn chiều. Cụ thể, nếu coi nền kinh tế như một ngôi nhà thì trong đó mái nhà là tầm nhìn, chủ trương của Đảng và Nhà nước; Các thành phần kinh tế bên trong bao gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, như là năm trụ cột của ngôi nhà; móng và nền nhà là văn hóa của quốc gia.
Rõ ràng, một căn nhà muốn kiên cố thì móng phải vững, trụ phải mạnh, mái phải chắc. Do vậy, nên bổ sung thêm cách tiếp cận này để từ đó xác định các điểm nghẽn của từng thành phần kinh tế, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho từng thành phần cũng như thành phần con trong những thành phần kinh tế này.
Vận dụng quan điểm "tiếp biến" trong bối cảnh năm 2022 vẫn còn nhiều yếu tố bất định, Chính phủ cần nhất quán quan điểm chỉ đạo là quyết tâm thực hiện chính sách “đa mục tiêu” chứ không chỉ đơn thuần là mục tiêu kép bao gồm vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực y tế, an sinh xã hội, năng lực chống chịu các cú sốc bên ngoài, phát triển mạnh mẽ trong tâm thế phục hồi, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong và sau đại dịch.
Tiếp đến, cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế nhằm có thể huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Trong đó, cần sớm ban hành các đề án cấu trúc lại các thành phần kinh tế quan trọng: doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách và đơn vị sự nghiệp công… Và cuối cùng, quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các khung pháp lý cho kinh tế số và mô hình kinh doanh mới; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư một cách thực chất; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc sớm nhất có thể.
Đối với các doanh nghiệp, cần mạnh dạn vận dụng quan điểm “tiếp biến” - chấp nhận và thay đổi chính mình để vượt qua khó khăn, đây là giai đoạn mà doanh nghiệp cần nghĩ đến câu chuyện cấu trúc, mạnh dạn cắt bỏ những thứ không cần thiết, không phù hợp, biến đổi mình để trở nên gọn nhẹ hơn là giải pháp hữu hiệu hơn cả trên hành trình tiến về phía trước.
Tôi cho rằng, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ phục hồi bền vững nếu vận dụng được quan điểm “tiếp biến”.