TP. Hồ Chí Minh và mối bận tâm lớn về thành tố "mềm"
Hàng loạt vấn đề đáng lưu ý được đặt ra tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2018.
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) 2018 được mở ra trong bối cảnh xu hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đang song hành từng ngày với mục tiêu đầy tham vọng - xây dựng smart city cho TPHCM. Trong lòng của thành phố thông minh ấy, sẽ có riêng một khu đô thị sáng tạo - nơi mà những phác thảo đầu tiên đang được chính quyền Thành phố kêu gọi sự đóng góp của tất cả nhân sĩ, trí thức trong và ngoài nước.
Không còn quá quan tâm tới các yếu tố về hạ tầng “cứng” (giao thông, điện nước và các cơ sở vật chất khác), Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm nay đã ghi nhận tầm quan trọng ngày càng lớn của hạ tầng “mềm”, với các đóng góp sôi nổi về những kinh nghiệm quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp (DN), hay xây dựng các mối liên kết đa phương thực sự hiệu quả giữa DN, cơ sở nghiên cứu - đào tạo và chính quyền.
Trực tiếp “cầm trịch” cuộc trao đổi với các nhà khoa học và quản lý nhà nước quốc tế tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn cho rằng TPHCM tuy có tới 16 trường đại học (ĐH) và hàng trăm nghìn sinh viên nhưng thực tế mối tương tác giữa nguồn tài sản “mềm” rất quan trọng này với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hay giới DN nói chung còn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đủ để tạo thành đòn bẩy giúp TPHCM theo đuổi mục tiêu trong tương lai gần là thiết lập khu đô thị đổi mới sáng tạo - hạt nhân cho smart city.
Thực vậy, trong một báo cáo tại Diễn đàn, TPHCM cũng nhận định sự hợp tác giữa các trường ĐH và DN nhìn chung còn rất hạn chế. Các Hiệp hội DN và Hội nghề nghiệp hầu như cũng không mấy mặn mà hợp tác với các nhà trường.
Trong khi đó, đối tượng SMEs dù đang chiếm tới 97% số lượng DN nhưng do nguồn lực hạn chế nên cũng không thể trực tiếp “với” được tới các cơ sở nghiên cứu này.
Đổi mới sáng tạo – ''buôn có bạn, bán có phường''
Ngay trong môi trường DN với nhau, nhiều nhà kinh doanh vẫn còn bị khép chặt trong tư tưởng “mạnh ai nấy… mạnh”. Nếu như các DN lớn vẫn chủ yếu “một mình, một ngựa”, hoặc tự nghiên cứu, phát triển, hoặc nhập khẩu cho… nhanh thì tại các DN khởi nghiệp, những nhà sáng lập trẻ với vô số ý tưởng sáng tạo lại thường bị chi phối bởi sự hoài nghi khi nói tới chuyện bắt tay với các DN “tiền bối”.
Trong đó, chủ yếu vẫn là tâm thế lo sợ bị DN lớn “nuốt” mất và bị đẩy ra “rìa”! Tất nhiên đây là một phần thực tế khó tránh khỏi trên thương trường, nhưng sẽ còn tệ hơn nếu không dám chấp nhận rủi ro, cứ để startups “lay lắt” và lỡ mất thời cơ vàng.
Theo ông Trần Anh Tuấn, TGĐ Công ty Công nghệ Sao Bắc Đẩu, khi kết nối với DN “đàn anh” thì sản phẩm của startups có thể được tích hợp vào chuỗi giải pháp chung của một DN đã có thương hiệu. Và vì thế sẽ dễ tiếp cận thị trường hơn.
Về phía DN lớn, dù có thể tự đầu tư cho đội ngũ, tự nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo nhưng như vậy vẫn có thể trở nên “chậm chân”. Thực tế tại chính Sao Bắc Đẩu cho thấy mức tăng trưởng của DN này có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng đối tác là các DN khởi nghiệp.
“Buôn có bạn, bán có phường” cũng là quan điểm mà người đại diện Quỹ Tăng tốc Khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đồng tình. Ngay tại “thánh địa” khởi nghiệp Silicon Valley của Mỹ, trong số những startups “sống được”, có tới khoảng 97% đã chọn con đường M&A, tức sáp nhập hoặc bán cổ phần cho DN khác. Tức là, chỉ 3% có thể tự lớn mạnh đủ để phát hành cổ phiếu ra công chúng, gọi vốn đầu tư và niêm yết trên thị trường chứng khoán (IPO).
Hỗ trợ SMEs & startups: những kinh nghiệm quý
Góp ý cho cách thức hỗ trợ cộng đồng DN trẻ và quy mô nhỏ - những hạt nhân tương lai của đô thị sáng tạo, TS Ahmad Magard, Tổng Thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore cho biết, tại đảo quốc sư tử, Chính phủ “đặt hàng” tổ chức này làm “bà đỡ” cho SMEs và startups để số hóa sản xuất kinh doanh, xây dựng chiến lược, thúc đẩy hợp tác giữa nhóm DN này với giới thương nhân trong và ngoài nước.
Tại Singapore, những đoàn DN “hậu bối” đi thăm và tìm hiểu kinh nghiệm tại các DN “đại thụ” vì vậy đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. “Chỉ có liên minh và hợp tác thì các DN mới có khả năng đi sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chia sẻ nguồn lực và tiết kiệm chi phí”, TS Ahmad Magard chốt lại.
Không được “bỏ quên” số lao động trẻ đại trà của xã hội khi “phổ cập” về đổi mới sáng tạo lại là một kinh nghiệm khác từ ông Cha Sang-Kyun, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Big Data (ĐH Seoul, Hàn Quốc). Bởi chính lực lượng này cũng cần được kích thích để trở thành nhân tố góp phần cho đổi mới sáng tạo – bài học mà Hàn Quốc đã nhận ra sau khi có khảo sát cho thấy tới 70% số thanh niên xứ kim chi thiếu hụt kiến thức khoa học cơ bản để có thể thích nghi với sự thay đổi của công nghệ.
TS Trần Du Lịch thì nêu đề nghị cụ thể “với nền tảng trước tiên của đổi mới sáng tạo là các viện - trường, chúng ta không thể tài trợ cho nghiên cứu khoa học bằng cách chi tiền cho đầu vào, mà phải là tài trợ ở đầu ra như cách làm tại nhiều nền kinh tế phát triển hiện nay. Nghĩa là nhà nước sẽ trả tiền cho những sản phẩm anh sáng tạo ra và có thể ứng dụng chứ không phải đưa tiền cho anh xài”!
Một số gợi ý chính sách khác về xây dựng nền tảng hỗ trợ cho nhóm SMEs và startups còn cho rằng hệ thống các quy định pháp luật cần được thiết kế thân thiện hơn và đặc biệt có xét tới môi trường mà những DN kiểu này hoạt động. Ví dụ, đa phần startups đều sẽ thất bại nên quy trình pháp lý cho phá sản và thanh lý startups nên đơn giản hơn DN bình thường.
Khẳng định sẽ tiếp nhận đóng góp của giới chuyên gia, các nhà khoa học, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp cho sự phát triển chung, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cam kết chính quyền sẽ làm hết sức mình để DN thực sự trở thành động lực của đô thị sáng tạo. Chính quyền cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, khung pháp lý minh bạch; sẵn sàng đáp ứng mong mỏi của DN với những hỗ trợ tốt nhất.