TPM tác động tới cải thiện năng suất, chất lượng như thế nào?

Hạ Băng

TPM là một phương pháp quản lý trong doanh nghiệp hướng đến sự đổi mới trong hoạt động bảo trì. Áp dụng TPM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện đáng kể năng suất, chất lượng.

TPM không chỉ đơn thuần là bảo trì, sửa chữa các thiết bị, mà còn đặt mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất của các thiết bị và tăng năng suất sản xuất
TPM không chỉ đơn thuần là bảo trì, sửa chữa các thiết bị, mà còn đặt mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất của các thiết bị và tăng năng suất sản xuất

TPM (Total Productive Maintenance) là một phương pháp quản lý trong doanh nghiệp hướng đến sự đổi mới trong hoạt động bảo trì. Quy trình TPM sẽ có sự tham gia của tất cả nhân sự trong doanh nghiệp.

Áp dụng TPM trong sản xuất có thể giúp doanh nghiệp gia tăng hiệu suất và năng suất sản xuất. TPM không chỉ đơn thuần là bảo trì, sửa chữa các thiết bị, mà còn đặt mục tiêu tối ưu hóa hiệu suất của các thiết bị và tăng năng suất sản xuất.

Trong quá trình triển khai TPM, các nhà quản lý và nhân viên được đào tạo để hiểu rõ các quy trình sản xuất, từ đó tìm cách cải thiện chúng. Các thiết bị và máy móc được bảo trì, vệ sinh và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động ổn định và tránh sự cố hỏng hóc không đáng có.

Với TPM, quá trình sản xuất được cải thiện thông qua việc loại bỏ các sự cố về thiết bị; giảm thiểu thời gian chết máy và tăng tốc độ sản xuất. Các nhân viên được đào tạo để thực hiện quy trình sản xuất đúng cách và tối ưu hóa thời gian sản xuất.

Bên cạnh đó, TPM giúp phát hiện sớm các lỗi trong quá trình sản xuất và có giải pháp để khắc phục những lỗi đó ngay lập tức. Điều này giúp doanh nghiệp tránh việc sản xuất ra những sản phẩm không đạt chất lượng và làm giảm niềm tin của khách hàng.

Bằng cách duy trì và bảo dưỡng các thiết bị sản xuất, TPM còn giúp giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm do thiết bị bị hỏng hoặc không hoạt động đúng cách. Việc giảm tỷ lệ lỗi sản phẩm cũng giúp giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu suất sản xuất.

Bằng cách giảm thiểu các sự cố và lỗi kỹ thuật, TPM giúp tăng tuổi thọ của thiết bị, giảm tần suất bảo trì và sửa chữa, tránh được những chi phí không cần thiết. Việc giảm chi phí bảo trì và sửa chữa thiết bị cũng giúp tăng tính khả dụng của thiết bị, đảm bảo sự ổn định của quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Trong TPM, việc duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết bị, máy móc sẽ giúp giảm thiểu lãng phí vật tư và nguyên liệu. Các thiết bị được bảo trì định kỳ, đúng cách sẽ hoạt động ổn định và tiết kiệm hơn. Đồng thời, TPM còn giúp tăng cường kiểm soát quá trình sản xuất, giúp ngăn chặn những lỗi xuất hiện, giảm thiểu việc phải sử dụng vật tư, nguyên liệu để sản xuất lại….

Một trong những điển hình  áp dụng TPM thành công là Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng số 2. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất sản phẩm sơn bột tĩnh điện với thương hiệu Selax.

Trước khi áp dụng TPM, mỗi lần chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm này sang sản phẩm khác của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng số 2 mất khoảng 2 - 3 lần chuyển đổi mới ra được đúng màu theo yêu cầu. Sau khi áp dụng TPM, số lượng đã giảm xuống còn 1 - 2 lần.

Không những thế, thời gian vệ sinh thiết bị còn được tiêu chuẩn hóa, loại bỏ các thao tác thừa, loại bỏ quãng đường vận chuyển hiệu chỉnh màu không cần thiết, bổ sung công cụ, dụng cụ thuận tiện cho thao tác của công nhân…