Doanh nghiệp cải tiến vượt bậc nhờ áp dụng TPM

Hạ Băng

Nhờ áp dụng mô hình cải tiến năng suất tổng thể (TPM), hàng loạt doanh nghiệp đã thực sự đạt được bước tiến vượt bậc trong cải tiến năng suất, chất lượng.

Áp dụng TPM có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu suất tổng thể của nhà máy lên 1,5 hoặc 2 lần.
Áp dụng TPM có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu suất tổng thể của nhà máy lên 1,5 hoặc 2 lần.

Tăng năng suất, tăng thu nhập

TPM là một phương pháp duy trì và cải thiện tính toàn vẹn của hệ thống sản xuất và chất lượng thông qua các máy móc, thiết bị, nhân viên và các quy trình hỗ trợ. 

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất găng tay cao su phục vụ sản xuất công nghiệp và tiêu dùng, mỗi năm, Công ty TNHH Nam Long cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 25 triệu đôi găng tay các loại.

Với mong muốn nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, năm 2019, Công ty đã triển khai TPM với sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương và các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam (VNPI).

Theo đó, Nam Long đã tiến hành sắp xếp, cải tiến lại các công đoạn và quy trình sản xuất tại khu vực bao gói; nghiên cứu và tìm giải pháp tránh lãng phí trong toàn bộ quá trình sản xuất.

Thông qua khảo sát, các chuyên gia tư vấn nhận thấy, tại khu vực bao gói, với quy trình làm việc có 6 hoạt động gia tăng giá trị, 5 hoạt động vận chuyển, 8 hoạt động chờ hoặc làm lại, 6 hoạt động kiểm tra.

Các hoạt động lãng phí quá nhiều như việc: vận chuyển, đi lại, tháo túi, đóng túi, kiểm tra lại… Do đó, năng suất ở khu vực này thấp dẫn đến hiệu suất chỉ đạt 60 - 65%. Nhiều thời điểm, Công ty dùng giải pháp làm thêm giờ nhưng vẫn không đáp ứng được tiến độ giao hàng cho đối tác.

6 phương pháp đã được doanh nghiệp áp dụng gồm: Chuyển từ sản xuất theo lô sang dòng một sản phẩm liên tục giúp giảm được di chuyển giữa 3 công nhân, giảm thao tác mở, đóng túi của nhân viên kiểm tra.

Bên cạnh đó, giảm việc kiểm tra lại của nhân viên kiểm tra sau bao gói bằng sử dụng cân định lượng và kiểm tra date ngay từ khâu in bao bì; quy hoạch lại toàn bộ nhà xưởng theo dòng chảy, giảm thiểu việc đi lại trong phân xưởng...

Quy trình chuẩn cuối cùng thu gọn còn thao tác trên bàn, đẩy thẳng vào thùng đóng gói; lắp censor đếm thay thế cho nhân viên bóc bao gói kiểm tra; sau khi đóng gói, dùng cân tự động loại ra gói đóng thiếu.

Như vậy, tại khâu đóng gói, đã giảm từ 25 hoạt động xuống còn 15; vận chuyển từ 5 hoạt động còn 2; chờ, làm lại từ 8 hoạt động còn 2; kiểm tra từ 6 hoạt động còn 5.

Kết quả doanh nghiệp này thu về khá tích cực. Trước đây, doanh nghiệp hoàn thành 80.000 đôi/12 tiếng; sau cải tiến, hoàn thành 115.000 đôi/10 tiếng với số lượng công nhân không thay đổi; năng suất lao động tăng 1,7 lần (tăng 73%).

Đáng chú ý, trước đây, bộ phận bao gói quá chậm, không đáp ứng yêu cầu nên bộ phận sản xuất phải tháo 30% khuôn thì hiện tại đã lắp đủ toàn bộ khuôn, chạy 100% công suất. Do năng suất tăng, công nhân không phải làm thêm giờ, thu nhập của công nhân ở khu vực bao gói tăng khoảng 40%...

Giải quyết dứt điểm những sự cố nan giải của máy móc

Ngoài Công ty TNHH Nam Long, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã triển khai TPM thành công như: Công ty TOMECO An Khang, Công ty TNHH Dệt Phú Thọ, Công ty TNHH Quang Quân, Công ty cổ phần 26…

Công ty TNHH Dệt Phú Thọ tham gia triển khai mô hình TPM đã giải quyết dứt điểm những sự cố nan giải của máy móc. Cụ thể, thời gian đầu triển khai, nhóm giảm lỗi kẹt vòng da máy con số 1 từ 27 lần kẹt/tháng xuống còn 5 lần/tháng. Kết quả cuối cùng, doanh nghiệp đã giảm được 96% số sự cố kẹt vòng da xảy ra tại máy con.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, triển khai TPM
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, triển khai TPM

Tại Công ty cổ phần 26, Công ty đã chủ động triển khai sắp xếp lại nhà xưởng, đầu tư dây chuyền sản xuất giày da tinh gọn để rút ngắn thời gian chế thử mẫu sản phẩm, thực hiện các đơn hàng nhỏ lẻ một cách nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng về chất lượng, tiến độ.

Thực hiện tái cấu trúc bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn để phù hợp với mô hình sản xuất mới, đòi hỏi tính linh loạt cao để thực hiện các đơn hàng dân sinh. Theo đó, xí nghiệp đã sắp xếp lại các khu vực sản xuất như khu vực trước kia dùng làm kho, nay được cải tạo lại để đặt 4 dây chuyền may giày da và giày vải ngay tại xưởng, tạo thuận lợi cho kế hoạch sản xuất.

Nếu như trước kia, bất kỳ sự thay đổi nào về nhân sự đều phải thông qua giám đốc bằng văn bản, thì nay mỗi ngày, xưởng trưởng có thể tự điều chuyển dựa trên yêu cầu thực tế. Do đó, các mệnh lệnh được thực hiện nhanh gọn, chính xác, hiệu quả rất cao.

Chỉ sau 3 tháng triển khai mô hình TPM, năng suất lao động đã tăng 10 - 15%, trong khi lương thưởng được cải thiện…

 

6 phương pháp đã được doanh nghiệp áp dụng gồm: Chuyển từ sản xuất theo lô sang dòng một sản phẩm liên tục giúp giảm được di chuyển giữa 3 công nhân, giảm thao tác mở, đóng túi của nhân viên kiểm tra.