Trả đũa phương Tây: Sau nông sản, Nga chọn gì?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Bộ Phát triển kinh tế Nga đang tập trung nghiên cứu hai lĩnh vực để đưa ra các đề xuất nhằm đáp trả khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga.

Trả đũa phương Tây: Sau nông sản, Nga chọn gì?
Nga đang nghiên cứu hai lĩnh vực nhằm đáp trả khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Nguồn: internet

Năm 2013 mặc dù giảm hơn 5% so với năm 2012 nhưng Liên bang Nga vẫn tiêu thụ 2,61 triệu chiếc ô tô mới.

Theo AP, EU đã chính thức thông báo, các biện pháp trừng phạt mà EU đánh vào một số khu vực kinh tế cũng như các cá nhân cụ thể của Liên bang Nga sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/9. Thủ tướng Anh David Cameron cũng đã xác nhận thông tin này.

Khác với tuyên bố của Thủ tướng Nga D.Medvedev và các đồn đoán mới đây, Trợ lý Tổng thống Nga Andrei Belousov bên lề hành lang Hội thảo kinh tế tại tỉnh Samara cho biết: "có rất nhiều lĩnh vực phi nông sản thực phẩm mà mức độ lệ thuộc của phương Tây vào nó lớn hơn phía Liên bang Nga rất nhiều, như ô tô nhập khẩu, nhất là ô tô đã qua sử dụng và các sản phẩm của ngành công nghiệp nhẹ. Bộ phát triển kinh tế đang tập trung nghiên cứu hai lĩnh vực này để đưa ra các đề xuất nhằm đáp trả nếu EU và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga”.

Tại sao lại là ô tô nhập khẩu và quần áo, giày dép? Cũng giống như lần "ra đòn” mới đây, Nga tiếp tục chọn những loại hàng hoá để trả đũa mà không tự đẩy mình vào ngõ cụt. Xem ra ô tô và quần áo, giày dép với Nga thậm chí còn có nhiều phương án thay thế hơn cả nông sản và thực phẩm.

Nói về ô tô nhập khẩu, thị trường ô tô nhập khẩu của Nga được chia làm hai loại: ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng. Năm 2013 mặc dù giảm hơn 5% so với năm 2012 nhưng Liên bang Nga vẫn tiêu thụ 2,61 triệu chiếc ô tô mới (trong đó có 813.000 chiếc là xe nhập khẩu). Trong lĩnh vực này, Nga đứng thứ 6 thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc (17,9 triệu xe), Mỹ (15,56 triệu chiếc), Nhật Bản (4,56 triệu), Đức (2,95 triệu), Brasil (2,76 triệu).

Nước Nga và người tiêu dùng Nga có những điểm đặc thù buộc các nhà sản xuất phải tính đến để sản xuất chuyên cho thị trường này. Ví dụ có những dòng xe siêu đắt và ngược lại có những loại rất bình dân. Hơn nữa, điều kiện địa hình và thời tiết ở Nga cũng buộc phải tính đến để khi chế tạo xe cho thích hợp. Vì thế, nếu xe sản xuất ra rồi mà không đưa được vào Nga thì rất khó để bán với giá khả dĩ làm hài lòng nhà sản xuất. Mà kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng suy thoái, thị trường ô tô ở các khu vực hầu như ảm đạm. Số tiền kếch xù do giá trị xe lớn bị “đắp chiếu” sẽ gây hệ lụy dây chuyền cho từ ngân hàng, đến ngành công nghiệp phụ trợ, rồi các hãng sản xuất... Xe ô tô cũng giống như thực phẩm, nếu để tồn kho thì sau này dù không phải vứt bỏ nhưng cũng bị coi là hàng “quá đát”.

Xe ô tô đã qua sử dụng thì quy mô (về số lượng) còn lớn hơn xe mới rất nhiều. Dung lượng của thị trường này ở Nga năm 2013 là 5,6 triệu chiếc, trong đó xe nhập khẩu chiếm khoảng 50% (xấp xỉ 3 triệu chiếc). Nước Nga bao nhiêu năm nay, nói một cách hình ảnh thì như “khu tiếp nhận rác” cho các nước phương Tây. Đẩy được xe cũ vào Nga, với các nước này được xem như “nhất cử lưỡng tiện”, vừa “xả được rác” vừa thu được một món tiền kha khá. Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và để thúc đẩy, hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước, hơn 2 năm trước Chính phủ Nga đã phải ban hành quy định cấm đưa vào Nga những xe đã qua sử dụng từ 7 tuổi trở lên.

Về thị trường quần áo và giày dép, theo số liệu thống kê, dung lượng của thị trường quần áo và giày dép của Liên bang Nga năm 2013 khoảng 57 tỷ USD. Những ai đã từng đến Nga và đi mua sắm đều nhận thấy thị trường quần áo, giày dép ở đây bên cạnh sự phong phú, đa dạng là giá bán gần như đắt nhất thế giới. Các thương hiệu nổi tiếng đều đã có mặt tại Nga từ lâu. Các kế hoạch sản xuất, mẫu mã cho thị trường này cũng có những đặc thù mà nếu đem đến nước nào đó để tiêu thụ cũng không hề đơn giản. Dung lượng tiền lại lớn vì thế hệ lụỵ cũng sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

Suốt nhiều năm liền, Chính phủ Nga tìm đủ mọi cách để vực dậy ngành công nghiệp nhẹ, vậy mà sức cạnh tranh “èo uột” nên mãi không thể sôi động và khởi sắc. Rất có thể cũng như nông sản, cấm vận sẽ như cú hích cho ngành may mặc và sản xuất giày dép. Hơn nữa mặt hàng này thì lại rất đễ tìm được nguồn cung từ khu vực châu Á, sự thiếu hụt sẽ gần như không xảy ra.

Và cũng như với nông sản, nhiều hãng do cấm vận mà buộc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình tại Nga và như vậy, "khoảng trống" mà họ để lại ắt hẳn sẽ lại là cơ hội cho rất nhiều nước.