Đẩy nhanh tiến độ thi công đường sắt đô thị:
Trách nhiệm với từng đồng thuế của dân
(Tài chính) Hai tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có vốn đầu tư rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn vay của nước ngoài, nên sẽ phải sử dụng tiền đóng thuế của dân để trả. Tuy nhiên, các công trình này đều bị chậm tiến độ từ 3 - 5 năm, tăng tổng mức đầu tư từ 60 - 170%, thậm chí có dự án dù mới rà soát lại trên giấy tờ đã phải điều chỉnh mức đầu tư tăng gấp đôi. Vì vậy, việc tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình này là thể hiện trách nhiệm với từng đồng thuế mà nhân dân đóng góp.

Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt cho rằng, số vốn đội lên của các công trình chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi kinh phí thực hiện cao hơn so với dự kiến. Ví dụ như, tuyến đường sắt trên không số 1 tại TP Hồ Chí Minh trong dự toán ước khoảng 1.400 tỷ đồng, nhưng trên thực tế cần 8.000 tỷ đồng. Ở góc độ địa phương, thì Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ, chưa tính đến chi phí giải phóng mặt bằng, một số dự án chỉ cần rà soát trên giấy đã phải tăng tổng mức đầu tư tới 70%. Vì thế, việc chậm tiến độ thi công không thể đổ lỗi hết cho giải phóng mặt bằng, mà phải thẳng thắn nhìn vào hạn chế do sự phối hợp chưa tốt giữa các ngành liên quan.

Nguồn: sukienhomnay.net
Nhưng có lẽ vấn đề không phải là nguyên nhân nào chính, nguyên nhân nào phụ, mà vấn đề là ở từng công đoạn, từng phần việc đều cần nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ. Thực tế, trong thời gian gần đây, khi lãnh đạo TP Hà Nội sát sao với giải phóng mặt bằng, thì công tác này đã được cải thiện đáng kể. Trong 5 tháng gần đây, công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt đô thị và đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội được cải thiện rõ rệt.
Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư chủ trì lập báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các dự án, rõ trách nhiệm, tồn tại, bất cập và đưa ra được nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan. Sau đó, công khai cho người dân biết, không được né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan. Bộ trưởng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả các dự án đường sắt đô thị theo yêu cầu của Chính phủ.
Nếu một công trình có chi phí thực hiện thấp, triển khai nhanh, phát huy hiệu quả cao, thì cả nền kinh tế được lợi, còn nhà thầu, bên bán thiết bị và những người liên quan sẽ không được lợi. Nếu dự án đội vốn lên cao, thời gian thực hiện kéo dài hơn, thì được và mất sẽ theo chiều ngược lại. Bản chất của vấn đề ở 2 công trình đường sắt đô thị có lẽ cũng là vậy. Để công trình bảo đảm đúng tiến độ thì các cơ quan chức năng cần tập trung khắc phục ngay từ nguyên nhân cốt yếu.