Trái cây Trung Quốc tràn ngập thị trường
Không ít doanh nghiệp thừa nhận chỉ làm hàng xuất khẩu, chất lượng cao, còn lại hàng bình dân bán ra thị trường, tiêu thụ trong nước, thậm chí chỉ có mặt cho có thương hiệu trong các siêu thị vẫn bị bỏ ngỏ.
Số liệu Tổng Cục Hải quan cho thấy, bình quân trong vài năm trở lại đây, kim ngạch nhập khẩu rau quả về Việt Nam tăng 20 - 25%/năm và đã đạt trung bình 622 triệu USD/năm. Chỉ tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2016 nhập khẩu rau quả đã lên tới hơn 430 triệu USD, tăng mạnh 36,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt hơn 102 triệu USD, chiếm 24,4%, tăng gần 30%...
Dạo một vòng quanh thị trường, từ gánh hàng rong vỉa hè cho đến các quầy sạp trái cây lớn nhỏ trong các chợ truyền thống nằm rải rác các quận huyện nội, ngoại thành, đâu đâu người mua cũng có thể bắt gặp các hàng hóa trái cây của Trung Quốc bày bán la liệt. Một đặc điểm có thể dễ dàng nhận thấy, trái cây Trung Quốc khá phong phú về chủng loại, trái to, nhìn bắt mắt song mức giá lại khá mềm, thậm chí giá chỉ bằng phân nửa so với trái cây nội hoặc 1/3 so với trái cây nhập khẩu từ Thái Lan, Úc, Mỹ...
Ngoài ra, phần lớn trái cây có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên việc quản lý, kiểm soát về chất lượng chưa chặt chẽ, dẫn đến sản phẩm hàng hóa đến tay người tiêu dùng khó có thể đảm bảo các yêu cầu về VSATTP, hàm lượng chất bảo quản, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây là an toàn cho người sử dụng.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), trong số rất nhiều chủng loại rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam, nhiều loại trái cây có số lượng nhập khẩu rất lớn, lên đến hàng trăm tấn/ngày qua các đường cửa khẩu biên giới như trái lựu, hồng ngâm, dưa lưới vàng, nho đen, cam sành, quýt đường...
Gần đây nhất, trái xoài tí hon (còn gọi là xoài mút) được nhập về khá nhiều và gây hoang mang, lo lắng cho người mua khi phát hiện lớp màng bọc mỏng, trong như ni lon bao bên ngoài vỏ hạt.
Tại chợ đầu mối Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh, chỉ trong 1 ngày tại chợ này đã có khoảng 150 - 200 tấn xoài mút Trung Quốc nhập về chợ. Giá bán đến tay người tiêu dùng dao động 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin, giá loại xoài này khi nhập khẩu vào Việt Nam, khai báo tại hải quan chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Tương tự, những loại trái cây khá của Trung Quốc, bao giờ cũng có ưu điểm là rẻ hơn so với trái cây trong nước, song về hình thức thường có sự vượt trội hơn hẳn về màu sắc, kích cỡ.
Cụ thể, trong khi giá 1 kg cam sành bán tại chợ Bình Điền có giá 45.000 đồng, thì cam Trung Quốc là 20 – 25.000 đồng, quýt đường có giá 40.000 đồng/kg thì hàng Trung Quốc chưa bằng một nửa 15 – 18.000 đồng/kg, hay lê, táo, mận... rẻ hơn rất nhiều. Khi mua về bỏ trong tủ lạnh, 15 - 20 ngày nhiều loại trái cây Trung Quốc không hề bị hư hỏng, thậm chí vẫn tươi như khi vừa mới mua về.
Điều đáng nói, khi được người tiêu dùng hỏi về nguồn gốc của trái cây, không ít người bán hàng đều trả lời là trái cây của Việt Nam, thậm chí là nho Mỹ, táo Úc... để người tiêu dùng an tâm mua, nhưng thực tình lại chính là trái cây Trung Quốc “đội lốt”.
Ông Huỳnh Quang Đấu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Rau quả thực phẩm An Giang cho biết, hiện công ty có gần 70 sản phẩm rau quả chế biến, đạt sản lượng 12.000 tấn rau quả xuất khẩu/năm sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sự hiện diện sản phẩm của công ty trong nước chưa thực sự là một thế mạnh. Mặc dù trong những năm gần đây, tình hình xuất khẩu trái cây của Việt Nam đi các nước rất khả quan và đạt con số hàng tỷ USD. Nhưng tại sân nhà, thị trường tiêu thụ và trái cây Việt Nam dường như chưa được các doanh nghiệp đánh giá đúng mức.
Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp thừa nhận chỉ làm hàng xuất khẩu, chất lượng cao, còn lại hàng bình dân bán ra thị trường, tiêu thụ trong nước, thậm chí chỉ có mặt cho có thương hiệu trong các siêu thị vẫn bị bỏ ngỏ.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong khi nhiều nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam đang chật vật để tìm đường xuất khẩu trái cây sang nước ngoài, đồng thời phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao, nghiêm ngặt về chất lượng, VSATTP... thì thị trường tiêu thụ trong nước với nhu cầu lớn của 90 triệu dân đang bị Trung Quốc và nhiều quốc gia xuất khẩu trái cây khác như Thái Lan, Úc, New Zealand “làm mưa làm gió”.
Đây thực sự là vấn đề đáng quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ trái cây trên con đường phát triển bền vững, lâu dài và vì lợi ích của người tiêu dùng trong nước.