Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu:
Trung Quốc kỳ vọng và lo ngại
Trung Quốc đang hy vọng sẽ củng cố vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu trong vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra trong hai ngày 4-5/9 tới tại Hàng Châu. Tuy nhiên, nhiều khả năng hội nghị sẽ bị phủ bóng đen bởi nhiều vấn đề gây tranh cãi, từ tranh chấp lãnh thổ tới bảo hộ mậu dịch.
Mục tiêu tái định hình nền kinh tế thế giới
Theo một quan chức ngoại giao giấu tên, Bắc Kinh muốn sử dụng hội nghị sắp tới để đề xuất một chiến lược lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhằm tái định hình nền kinh tế thế giới. Chủ đề của Hội nghị năm nay, được nước chủ nhà lựa chọn là: “Cùng phấn đấu cho một nền kinh tế thế giới sôi động, kết nối và sáng tạo”.
Với chủ đề này, Trung Quốc muốn Hội nghị năm nay trở lại tập trung vào các vấn đề truyền thống, khôi phục các mục tiêu ban đầu với tư cách một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, nơi sự hợp tác và trao đổi kinh tế giữa các quốc gia không chịu sự chi phối của các mối quan hệ chính trị.
Kể từ cuối năm 2008, thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cấp tham dự hội nghị đã thay đổi từ cấp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng lên cấp nguyên thủ quốc gia do các nước nhận thức được cần nhanh chóng hành động và hợp tác trước cuộc khủng hoảng.
Năm nay, Trung Quốc đã mời hai nước đang phát triển là Ai Cập và Kazakhstan tham dự hội nghị với tư cách khách mời danh dự. Hội nghị năm nay cũng chứng kiến sự có mặt của Chad - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU), Senegal - đối tác cơ bản của Trung Quốc trong các dự án phát triển tại châu Phi và Lào - Chủ tịch luân phiên năm 2018 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ông Diaa Helmi, Chánh văn Phòng Thương mại Ai Cập - Trung Quốc cho rằng, nhìn vào thành phần khách mời có thể thấy Trung Quốc đang tìm kiếm sự mở cửa đối với thế giới, vươn tới cả châu Phi, thế giới Ảrập, Trung Đông và nhiều khu vực khác.
Điều này phản ánh suy nghĩ của giới lãnh đạo nước này, rằng họ đang thành công và các kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế của họ xứng đáng là hình mẫu để tham khảo. Chuyên gia này khẳng định, với hội nghị năm nay, Trung Quốc mong muốn đề xuất các biện pháp nhằm “giải thoát” cho thế giới khỏi các chính sách kinh tế cổ hủ và trì trệ, như độc quyền hay bảo hộ thương mại vì mục đích chính trị.
Thực tế suốt nhiều năm qua, các quốc gia đang phát triển đã phải hứng chịu tác động tiêu cực từ tình trạng thiếu công bằng, minh bạch và hiệu quả của các thể chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ Thế giới và Ngân hàng Thế giới, do điều kiện chính trị mà họ đặt ra đối với viện trợ phát triển.
Với việc nắm giữ chức Chủ tịch luân phiên G20, Trung Quốc hy vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc khích lệ và chào đón các quốc gia đang phát triển đến với hội nghị nhằm tăng cường sự năng động của các hệ thống kinh tế và tài chính thế giới.
Những bóng mây đen
Tuy nhiên, với những căng thẳng gần đây trong quan hệ chính trị và thương mại của Trung Quốc với một số quốc gia, nhiều khả năng hội nghị sẽ bị bao trùm bởi vấn đề tranh chấp lãnh thổ và bảo hộ mậu dịch.
Về kinh tế, Bắc Kinh không hài lòng trước những nghi ngại của Anh và Australia về chiến lược đầu tư của Trung Quốc. Mới đây, Chính phủ Australia đã từ chối việc bán gói thầu điện lực trị giá 10 tỷ dollar Australia, tương đương 7,7 tỷ USD (hệ thống cung cấp năng lượng được đánh giá là lớn nhất nước này) cho các nhà thầu Trung Quốc.
Trong khi đó, Chính phủ của tân Thủ tướng Anh Theresa May đã quyết định dừng phê chuẩn dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point trị giá 18 tỷ bảng, do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia khi dự án có nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
Về tranh chấp lãnh thổ, trong các cuộc thảo luận trước hội nghị với các quan chức Trung Quốc, vấn đề tranh cãi chủ quyền ở Biển Đông và việc Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc lại là những vấn đề trọng tâm.
Phía Trung Quốc cho rằng, dường như phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang tìm cách “bao vây” họ bằng những chủ đề không thực sự liên quan đến một hội nghị.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc bình luận rằng, Hội nghị G20 là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc hình thành quy tắc quản trị toàn cầu và chắc chắn họ không muốn những vấn đề nêu trên “phủ bóng đen”.
Nhưng đó sẽ là điều khó tránh khỏi khi Trung Quốc vẫn có những động thái thách thức tại Biển Đông và biển Hoa Đông sau khi Tòa Trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hà Lan đã ra phán quyết, bác những tuyên bố của Trung Quốc về “chủ quyền lịch sử” đối với đường 9 đoạn trên Biển Đông; và nhất là khi thực tế, Hội nghị G20 cũng là nơi để bàn về nhiều vấn đề khác, chứ không chỉ kinh tế.