Trái phiếu Việt Nam tăng giá mạnh sau khi Moody's nâng hạng
(Tài chính) Trái phiếu bằng USD của Việt Nam đã có mức tăng mạnh nhất trong hơn một tháng qua sau khi hãng đánh giá tín dụng Moody’s nâng hạng tín nhiệm đối với trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên trong 9 năm qua.
Theo thông báo chiều 29/7, Moody’s đã nâng hạng một số đánh giá tín nhiệm với Việt Nam, khi các số liệu theo dõi cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô đang ổn định hơn. Đây là lần đầu tiên Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam kể từ tháng 7/2005. Cụ thể, xếp hạng đối với trái phiếu của Việt Nam được nâng từ mức B1 lên B2, với triển vọng ổn định. Trần trái phiếu ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B1 lên Ba2, trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn từ B3 lên B2, trần rủi ro đồng nội tệ Việt Nam từ mức mức Ba1 lên Ba2.
Với mức triển vọng ổn định, Moody’s nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định và sẽ là yếu tố tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia. Hoạt động của lĩnh vực ngân hàng đã dần dần ổn định, làm giảm nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ. Cán cân thanh toán và khả năng trả nợ nước ngoài của Việt Nam đã mạnh lên, đồng thời còn được hỗ trợ bởi sự đa dạng hóa trong cơ cấu hàng xuất khẩu, theo hướng tập trung vào hàng điện máy và giảm sản phẩm lao động tay chân.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tăng nhanh hơn khi quý 2 đạt 5,25%, so với mức 5,09% của quý 1. Cùng với đó, việc điều chỉnh tỷ giá 1% trong tháng 6 cũng làm cải thiện triển vọng đối với hàng xuất khẩu.
Phản ứng với tin tức này, trên thị trường Hồng Kông chiều 29/7, lợi tức của trái phiếu bằng USD 6,75%, thời hạn tháng 1/2020 đã giảm 0,02 điểm phần trăm, xuống mức 4,04%. Thông thường, khi giá trái phiếu tăng thì lợi tức trái phiếu giảm và ngược lại. Lợi tức trái phiếu giảm thể hiện trái phiếu được đánh giá ổn định, an toàn hơn. Tỷ giá VND/USD cùng ngày không biến động mạnh, ở mức khoảng 21.230 VNS/USD.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, giám đốc Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ của ngân hàng BIDV nhận định: “Việc nâng hạng của hãng Moody’s với Việt Nam có thể làm tăng nhu cầu và khối lượng giao dịch đối với trái phiếu Chính phủ, đồng thời giảm chi phí đi vay cho Việt Nam”.
Trong khi đó, đầu tháng này, hãng đánh giá tín dụng Standard & Poor's cho rằng việc nợ xấu tăng dần có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Standard & Poor's vẫn giữ đánh giá tín nhiệm Việt Nam ở mức BB-
Mặc dù đánh giá tích cực hơn nhưng Moody’s cũng chỉ ra rằng, khối lượng nợ xấu lớn kéo dài lâu nay đang là gánh nặng lớn với hệ thống ngân hàng. “Thanh khoán được cải thiện, quy mô sở hữu chéo, cho vay lẫn nhau giữa các ngân hàng giảm đã giảm dần. Rủi ro vì thế đã giảm đi nhưng không phải là đã được hạn chế hoàn toàn”.
Moody’s cho biết sẽ xem xét tiếp tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách của Chính phủ.