Trăn trở phía sau kỷ lục xuất khẩu nông sản

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Trong giai đoạn khó khăn nhất, ngành nông nghiệp vẫn khẳng định vai trò trụ đỡ quan trọng, đóng góp lớn vào tốc tăng trưởng của nền kinh tế, kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục 48,6 tỷ USD. Song, để phát triển bền vững, rõ ràng ngành không thể bằng lòng với thành tích đã đạt được.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực của ngành nhưng cũng chỉ ra rất nhiều thách thức từ những dẫn chứng cụ thể, như: nhiều mặt hàng thế mạnh của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, xuất khẩu phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi còn lớn...

Không tự bằng lòng với thành tích 

Nhìn lại một năm khó khăn, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan chia sẻ, trong 365 ngày đầy thách thức, những thành tích của ngành NN&PTNT thể hiện qua từng con số đạt được so với mục tiêu đề ra là niềm tự hào của ngành."Chúng ta có thể tự hào rằng, trong thách thức, NN&PTNT vẫn đạt những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 2,58%. Xuất khẩu (XK) nông sản đạt 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu được Chính phủ giao. Những sản phẩm OCOP từ làng quê nông thôn dần trở thành sản phẩm quốc gia “hội tụ giá trị - lan tỏa văn hóa", ông Hoan nói.

Đặc biệt trong năm 2021, Bộ trưởng NN&PTNT đánh giá ngành đã vượt qua những nỗi đắn đo, mạnh mẽ tìm kiếm những điều mới hơn, mô hình mới hơn, cách tiếp cận mới hơn. "Chúng ta cùng nhau mở rộng không gian phát triển, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “tư duy quản lý” sang “tư duy hỗ trợ, kiến tạo” như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo".

Những thành tựu kể trên là đáng tự hào, nhưng Tư lệnh ngành NN&PTNT cũng hiểu rằng không được tự bằng lòng, khi những điều khó khăn, khó lường vẫn còn phía trước.

"Ngay thời điểm chúng ta tổ chức Hội nghị tổng kết hôm nay, nông sản vẫn ùn ứ ở các cửa khẩu. Thực trạng này cho thấy, chúng ta không được tự bằng lòng với thành tích XK. Còn rất nhiều việc phải làm, làm đúng và làm ngay để XK nông sản ngày thêm bền vững", ông Hoan chia sẻ.

Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng: Ngành nông nghiệp phải chuẩn hoá vùng nguyên liệu, tổ chức lại chuỗi cung ứng từ hợp tác xã đến doanh nghiệp, thông suốt liên kết tiêu thụ nội địa và XK nông sản. Ngành phải có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn. Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường khi chỉ bán nguyên liệu thô...

Hơn hết, tiềm năng còn rất lớn của thị trường nội địa với dân số đang tiến tới 100 triệu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về tính hệ thống, chính quy, chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp, công thương.

Trong khi đó, nhìn từ câu chuyện thực tế của doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho rằng ngành tôm trong 20 năm qua đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng vì phát triển nhanh nên đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường - xã hội, khiến vùng nước Đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm bệnh tôm trầm trọng. Điều này làm giá thành gia tăng, giảm tính cạnh tranh.

Còn nhiều việc phải làm

Ông Quang cho biết năm 2021, Ecuador dự kiến có sản lượng tôm đạt 490 nghìn tấn, Việt Nam đạt 970 nghìn tấn, nhưng giá thành của Ecuador chỉ bằng 1/2 - 1/3 của Việt Nam,  vì họ phát triển bền vững, tôm bố mẹ được chọn lọc từ sự thích nghi của môi trường tự nhiên nên tỷ lệ kháng bệnh cao. Hay Ấn Độ có giá thành sản xuất tôm thấp hơn Việt Nam 20-30%.

Tại sao tôm Việt Nam vẫn cạnh tranh được? Tổng giám đốc Minh Phú cho rằng chúng ta có công nghệ chế biến cao, nhưng rồi lợi thế này cũng dần dần không còn trong 3-5 năm tới khi các đối thủ đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất chế biến sâu.

Vì vậy, theo ông Quang, cần một loạt giải pháp như quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn giống tôm nước lợ chất lượng cao; quy hoạch và phát triển chuỗi giá trị ngành tôm Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch nuôi tôm rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng, gắn với bảo vệ môi trường rừng sinh thái, tạo sản phẩm chất lượng cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá dù giá trị XK lớn nhưng ngành nông nghiệp chưa đáp ứng được những yêu cầu của thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản... Nguyên nhân nằm ở việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, hàm lượng công nghệ thấp. Đồng thời, các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông chưa có sự gắn kết chặt chẽ, khiến nguy cơ đứt gãy dễ xảy ra.

Theo Bộ trưởng Công Thương, để có giải pháp căn cơ bền vững, ngành nông nghiệp cần phối hợp, nâng cao quản lý chất lượng để đẩy mạnh XK nông sản, nhất là XK chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Nhằm hướng tới việc "khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT tăng cường phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan, đồng thời đẩy mạnh việc tích hợp đa giá trị, chuyển đổi số và xây dựng những chuỗi liên kết bền vững.

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng cho rằng với phương châm “Nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực”, những chuyển biến, vai trò, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp đã được nâng cao. Người nông dân Việt Nam đã biết làm giàu từ bàn tay, khối óc, qua đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Tuy vậy, Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là ngành nông nghiệp vẫn chưa được phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề: Tại sao mỗi năm chúng ta XK gạo được 3 tỷ USD nhưng lại nhập khẩu ngô, đậu tương... tới vài tỷ USD. Việt Nam là đất nước nông nghiệp thì phải giải quyết tốt bài toán này.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp cần có cơ chế, chính sách đột phá để thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, đa dạng hóa thị trường XK, để làm được thì trước hết phải đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho sản phẩm. Việt Nam muốn đẩy mạnh chế biến thì phải sản xuất lớn, mà muốn sản xuất lớn thì phải quy hoạch vùng nguyên liệu, quy hoạch sản phẩm gắn với khoa học công nghệ.

Thủ tướng cũng yêu cầu XK sản phẩm chính ngạch gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Dẫn chứng từ bài học tồn đọng hàng nghìn xe hàng ở cửa khẩu biên giới, Thủ tướng đặt câu hỏi: Vì sao năm nào cũng xảy ra vấn đề khi xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, năm thì thanh long, năm thì dưa hấu. Nếu sản phẩm của chúng ta đạt chất lượng thì không ai cấm được, còn cứ đi đường mòn lối mở thì rất nguy hiểm.

"Mở container ra thấy quả mít được bọc từ mấy gói giấy, thì đó không phải là nông nghiệp hiện đại, dẫn đến chúng ta phải đi tiểu ngạch", Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ TT&TT

Năm 2022 sẽ là năm hành động với ngành nông nghiệp về chuyển đổi số. Cụ thể là trong 34 nền tảng số quốc gia vừa được Thủ tướng giao để làm hạ tầng phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, thì có đến 9 nền tảng dành cho ngành nông nghiệp như: dữ liệu số, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử, tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Chuyển đổi số góp phần giải bài toán thiên niên kỷ của nhân loại, cũng là giải một số bài toán của ngành nông nghiệp.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco)

Để ngành chế biến rau quả có thể thích ứng, linh hoạt với dịch COVID-19 trong thời gian tới, các đơn vị, doanh nghiệp chế biến cần tạo sự liên kết chặt chẽ với các HTX nông nghiệp. Các HTX sẽ giữ vai trò sản xuất và cung cấp nguyên liệu số lượng lớn đảm bảo nguồn cung cho doanh nghiệp XK. Dư địa XK rau quả của Việt Nam còn nhiều. Hiện nay, nhiều khách hàng tại thị trường châu Âu, Nhật Bản, Israel sẵn sàng đặt hàng số lượng lớn nếu chúng ta có những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

 

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Năm 2021, Đồng Tháp duy trì XK nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng trưởng đạt hơn 3%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu nhập của người dân tỉnh Đồng Tháp còn thiếu bền vững. Đồng Tháp đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu cơ chế đầu tư nông nghiệp hữu cơ và kinh tế tuần hoàn; ưu tiên phát triển năng lượng sạch cho tỉnh và địa phương để giảm diện tích đất sản xuất sử dụng hóa chất; có chính sách cụ thể cho người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, phân bổ chi tiêu phải dựa trên sản lượng lúa hằng năm; sớm ban hành khung pháp lý xử phạt mạo danh mã vùng, đảm bảo quyền lợi cho các bên về truy xuất nguồn gốc.