Tránh bị vạ lây khi Mỹ chống bán phá giá!
Việt Nam nên thận trọng khi tiếp nhận đầu tư Trung Quốc để chế biến hàng hoá xuất khẩu vì có thể bị cáo buộc bán phá giá vào thị trường Mỹ. Và không chỉ có Mỹ, EU cũng đang chú ý tới việc này do quy chế “kinh tế phi thị trường” của Trung Quốc và Việt Nam.
Báo chí những ngày qua đã liên tiếp lên tiếng báo động về điều được gọi là “14 hàng rào” mới được dựng lên tại thị trường Mỹ, gây khó khăn cho các nước như Việt Nam, Trung Quốc hay các nước chưa được Mỹ công nhận quy chế “kinh tế thị trường” khi xuất hàng vào Mỹ. Các rào cản này nằm trong các đề xuất do bộ Thương mại Mỹ vừa loan báo, nhằm tăng cường việc áp dụng luật Thương mại và hỗ trợ cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ.
Nguy cơ bị vạ lây
Việc tăng cường các biện pháp điều tra chống trợ giá hoặc bán phá giá đối với hàng nhập vào Mỹ thực ra là nhắm vào Trung Quốc để giảm thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng giữa hai bên. Thế nhưng, Việt Nam có thể bị vạ lây khi Trung Quốc đặt nhà máy ở Việt Nam để làm ra hàng hoá xuất qua Mỹ dưới nhãn hiệu “Made in Vietnam”, qua đó tránh được thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho hàng nhập từ Trung Quốc.
Khi gia nhập WTO, nước nào cũng phải thoả mãn những điều kiện do từng quốc gia thành viên của tổ chức này đặt ra từ trước. Trung Quốc gia nhập WTO sau 13 năm thương thảo với Mỹ để được một số điều kiện đặc miễn về yêu cầu cải cách vì vẫn có nền kinh tế “phi thị trường”. Trước sự chứng kiến của WTO, năm 2001 đôi bên thoả thuận là Trung Quốc vẫn là nền kinh tế “phi thị trường” trong vòng 15 năm. Việt Nam cũng yêu cầu tương tự và năm 2007 được Mỹ đồng ý là có nền kinh tế “phi thị trường” trong 12 năm sau khi gia nhập WTO.
Cùng với Mỹ, các nước EU thành viên của WTO cũng chấp nhận khái niệm đặc biệt này, đặc biệt vì tuyệt đại đa số hội viên WTO đều đã có nền kinh tế thị trường. Nhưng mặt trái của vấn đề là khi còn là nền kinh tế “phi thị trường”, thành viên mới của WTO có thể bị cứu xét khắt khe hơn để tránh tình trạng trợ giá xuất khẩu và bán phá giá. Từ năm 2006, EU đã nêu vấn đề với Việt Nam sau khi nêu vấn đề với Trung Quốc. Từ năm 2008, Mỹ đã dùng luật lệ này để kiện doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam và đòi trả đũa bằng thuế nhập nội.
Hiện nay cả Mỹ lẫn EU đang gặp khó khăn kinh tế, cần đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Xu hướng bảo hộ mậu dịch để bảo vệ việc làm lại đang mạnh tại Mỹ dưới áp lực công đoàn và đảng Dân chủ, cho nên việc kiện tụng của doanh nghiệp bị thiệt hại dễ được các cơ quan hữu quan thụ lý để đưa qua WTO thẩm xét. Nói chung khả năng họ thắng nhiều hơn thua. Đây là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần chú ý.
Đối phó thế nào?
Chính quyền Mỹ đã đưa ra chính sách thúc đẩy xuất khẩu để tạo thêm việc làm và ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ mới viện trợ cho Việt Nam cải tiến hạ tầng để tiếp nhận hàng xuất khẩu của Mỹ. Gần đây nhất, bộ Nông nghiệp Mỹ còn giúp Việt Nam chương trình tín dụng có mã số là GSM-102 để Việt Nam dễ nhập khẩu nông sản và lương thực của Mỹ cho thị trường nội địa, như thịt gia cầm, lúa mì hay bông vải.
Trước các đòn kiện cáo, doanh nghiệp Việt Nam phải có tiền để tìm luật sư giỏi ở Mỹ! Phải vận động các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn với mình tác động vào cơ quan hữu quan trong bộ Thương mại Mỹ. Việt Nam cung cấp thuỷ sản, hàng dệt sợi, áo quần giày dép cho các hãng phân phối của Mỹ, thì vì quyền lợi của họ, các hãng này có thể đấu tranh cho chính lợi ích của bản thân họ. Điều quan trọng nữa là phải cải thiện lề lối kinh doanh lẫn quản lý minh bạch để thực sự không vi phạm các quy định về trợ giá hay bán phá giá, và phải chứng minh được điều ấy.
Ở cấp vĩ mô, chính phủ nên xét duyệt lại chiến lược xuất khẩu kiểu Đông Á, cải tiến cơ chế chính sách để thị trường nội địa giữ vai trò trọng yếu hơn cho bộ máy sản xuất chứ đừng để lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu. Nhà nước phải thực sự cải cách lề lối quản lý để có kinh tế thị trường đích thực. Việt Nam đã có 22 quốc gia công nhận mình là có kinh tế thị trường, nhưng đừng quên Trung Quốc cũng có 80 quốc gia thừa nhận như vậy mà vẫn còn phải chờ đến sau năm 2016 thì mới hy vọng bỏ được quy chế “phi thị trường”.
Chưa bao giờ khẩu hiệu “phát huy nội lực” cần một chương trình hành động cụ thể như lúc này. Phải coi nguồn nhân lực ở trong nước là chính và cần cải thiện chất lượng đào tạo và giáo dục để chiếm tỷ trọng cao hơn trong chu trình sản xuất thay vì chỉ làm gia công trong các công đoạn có giá trị gia tăng rất thấp. Phải dám suy nghĩ theo tư thế cạnh tranh để tiến lên trình độ sản xuất cao hơn và cung cấp loại hàng hoá có giá trị hơn.
Và điều đương nhiên là phải học luật và kinh doanh để hiểu ra quy luật kinh doanh và cạnh tranh của các nước thành viên WTO hầu bảo vệ được quyền lợi của mình. Và Nhà nước phải đẩy mạnh thông tin để khối tư doanh hiểu rõ hơn về môi trường làm ăn đang có thay đổi lớn trên thế giới khi Việt Nam thương thảo với Mỹ các hiệp định về đầu tư hay tự do mậu dịch trong khuôn khổ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).