Tránh "điểm nghẽn" làm khó hoạt động đầu tư kinh doanh

Theo Thế Vinh/vnbusiness.vn

Có đến 53% doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát vướng mắc hậu COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, đang gặp khó trong việc tìm kiếm nhân lực phù hợp và rất mong chính sách có thể “cứu nguy” cho chuyện này. Trong khi đó, vẫn còn mối lo tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Huba) vừa làm một cuộc khảo sát về những vướng mắc trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) sau những khó khăn từ đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine. 

Chờ chính sách “cứu nguy” thiếu hụt nhân lực

Điểm đáng chú ý từ kết quả khảo sát của Huba khi có đến 53% DN cho biết là họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.

Xét về chuyện này có thể thấy rõ như ở ngành dệt may. Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực TP. Hồ Chí Minh (FALMI), sau dịch COVID-19, tại TP. Hồ Chí Minh nhu cầu sử dụng lao động của ngành dệt may tăng rất cao, song khả năng đáp ứng còn hạn chế.

Tính bình quân, các DN dệt may ở TP. Hồ Chí Minh trong năm nay cần thêm 20.000 - 22.000 lao động nhưng chỉ khoảng 1.000 người có nhu cầu tìm việc trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, theo dự báo giai đoạn 2022 - 2026, ngành dệt may - da giày tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có 390.000 - 437.000 lao động làm việc. Có thể thấy đây là một thách thức rất lớn đối với ngành này trong thời gian tới khi mà trung bình mỗi năm các nhà máy mất khoảng 10% lao động.

Trước vấn đề thiếu hụt lao động không chỉ riêng với DN dệt may, phía Huba kiến nghị nhà nước sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật mang nhiều lợi ích cụ thể, hiện hữu cho DN. Đơn cử như các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, công đoàn, chính sách cho vay nhà ở… Nhất là cần quan tâm kịp thời xét duyệt các đề án xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà ở công nhân để người lao động không lo chỗ ăn nghỉ.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Huba, phía Hiệp hội có đề nghị Thành phố cần dành nguồn ngân sách cho đào tạo nghề, khuyến khích mở các trường nghề sơ cấp và trung cấp, tránh tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” gây khó cho thị trường lao động.

Giới chuyên gia cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động (đặc biệt là lao động chất lượng cao) của các DN ở TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương trọng điểm về thu hút đầu tư kinh doanh là điều hết sức lưu tâm. Nhất là với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để ứng dụng công nghệ mới. Do đó, nguồn lực chất lượng cao nếu không được chú trọng cải thiện trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mất dần sức hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn với việc thiếu hụt nguồn lao động nói chung, điều này sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN và bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, mức sống thực tế và sức khỏe cho người lao động. Nhất là các địa phương cần có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm nguồn lực lao động và cần khẩn trương thực hiện chính sách nhà ở.

Bên cạnh vấn đề nêu trên, phía Huba đề nghị nên có thêm quy định hạn chế phát sinh thêm điều kiện kinh doanh, cũng như tránh phát sinh thêm lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành có thẩm quyền thực hiện.

Hơn nữa, ông Nguyễn Phước Hưng cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động hành chính công một cách thường xuyên, ổn định, rộng khắp...

Lo khó triển khai dự án đầu tư

Xét thêm về vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, mới đây, khi tham gia thẩm định Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có lưu ý các hoạt động thực hiện dự án đầu tư liên quan rất nhiều đến thủ tục đất đai. Trong khi đó, theo rà soát, quy định hiện hành của Luật Đầu tư 2020 và Luật Đất đai 2013 có nhiều điểm chưa thống nhất, các thủ tục hành chính chưa thực sự thuận lợi cho nhà đầu tư.

Chẳng hạn như việc giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì có ba hình thức lựa chọn nhà đầu tư: Đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư. 

Còn Dự thảo đang quy định 3 trường hợp giao đất, thuê đất: Thứ nhất là giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án. Thứ hai là giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu thầu dự án. Thứ ba là giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo VCCI, trong các trường hợp giao đất, cho thuê đất tại Dự thảo không thấy có trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020. 

“Điều này có thể dẫn tới trường hợp, khi nhà đầu tư được chấp thuận đầu tư nhưng không biết sẽ phải thực hiện thủ tục nào để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và sẽ gặp khó khăn khi triển khai dự án đầu tư”, phía VCCI lưu ý.

VCCI vừa kiến nghị lên Quốc hội nhóm 8 giải pháp để tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của DN những tháng cuối năm 2022 và trong năm 2023. Trong đó, điều trước tiên tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh.

Theo VCCI, thời gian qua, DN còn tiếp tục phản ánh về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, tạo ra “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư.

Hiện nay, một số dự thảo luật quan trọng, tác động đến hoạt động đầu tư kinh doanh của nước ta đang được soạn thảo, như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.

Cho nên đây là cơ hội tốt để nhìn hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo đang tồn tại ở pháp luật hiện hành, cũng như là cơ hội lắng nghe ý kiến phản ánh của các DN – đối tượng thụ hưởng, thực thi các chính sách.