Tranh luận về việc cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) nêu quan điểm: “Có dịch vụ này cũng tốt chứ, vấn đề là đừng làm trái pháp luật”. Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định, dịch vụ đòi nợ thuê rất dễ biến tướng theo kiểu xã hội đen, không lành mạnh, để lại hậu quả xã hội lớn.
Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận tại các tổ ĐBQH về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự kiến, các luật này có hiệu lực từ tháng 1-2021.
Tại tổ ĐB TPHCM, ĐB Phạm Phú Quốc cho biết, đây là hai đạo luật “sát sườn” đối với doanh nghiệp. Liên quan đến ngành nghề cấm kinh doanh có dịch vụ đòi nợ, ĐB thẳng thắn nêu quan điểm: “Có dịch vụ này là tốt chứ vấn đề là đừng làm trái pháp luật. Chúng ta sợ vi phạm thì chính quyền địa phương, công an, tổ dân phố… ở đâu mà để xảy ra chuyện giang hồ?”.
Tuy nhiên, cũng về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhận định, dịch vụ đòi nợ thuê rất dễ biến tướng theo kiểu xã hội đen, rất không lành mạnh, để lại hậu quả xã hội lớn. “Tôi thấy cấm là có lý. Riêng hình thức cho vay tài chính, cầm đồ thì phải đánh giá kỹ hơn trong kinh doanh có điều kiện, cần thiết thì phải siết chặt nữa”.
Cũng liên quan đến các ngành nghề bị cấm kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện, ĐB Ngô Thị Kim Yến (TP Đà Nẵng) nhận xét: “Luật quản một số ngành chặt quá, một số ngành lại lỏng quá. Như ngành kinh doanh xoa bóp, biến tướng nhiều, không quản lý được. Hay ngành thẩm mỹ, mỹ viện, cũng cần được quản lý sát hơn. Cơ sở điều trị trẻ tự kỷ vừa qua báo chí nêu bức xúc là vậy, lại không có điều kiện gì là rất bất hợp lý”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (ĐBQH Quảng Trị) cho biết, đề xuất cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo Bộ trưởng, thực tế dịch vụ này có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực của dịch vụ này là bảo vệ được quyền lợi của bên cho vay, giúp thu hồi được các khoản nợ. Ngược lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã có nhiều biến tướng khi tín dụng đen nở rộ, sử dụng xã hội đen để đòi nợ. Từ thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ Công an đã đề nghị cấm dịch vụ này nếu không sẽ rất phức tạp cho xã hội. Tiếp thu ý kiến Bộ Công an, nội dung này được thể hiện vào dự thảo Luật.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, kinh doanh dịch vụ đòi nợ vừa qua có việc lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự xã hội. "Cái đó rõ ràng phải nghiêm trị, nhưng dịch vụ đòi nợ cũng là dịch vụ của cơ chế thị trường, luật phải quy định cụ thể ai được làm và làm thì cần tuân thủ cái gì, vi phạm thì xử lý ra sao chứ cấm là không hợp lý. Quan hệ kinh doanh ngày càng chằng chịt, mà nợ nần thì thông qua tổ chức hợp pháp để đòi là văn minh, đừng thấy vài vụ việc xảy ra mà chuyển từ cực này sang cực khác", ông Phùng Quốc Hiển bình luận.
Có cùng mối quan tâm về vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) lưu ý đến những ngành nghề, lĩnh vực hạn chế đầu tư nước ngoài và cho rằng dự thảo luật chưa cụ thể hoá được tinh thần của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Một nội dung khác cũng được ĐB Trần Hoàng Ngân đề cập là trên thực tế có hiện tượng “chạy” dự án chỉ để bán lại kiếm lời mà không triển khai, “treo” lâu ngày, khiến nhân dân vô cùng bức xúc. Ông đề nghị Luật Đầu tư bổ sung quy định phải triển khai dự án rồi mới được chuyển nhượng.
Một nguyên nhân khác, theo ĐB là sự dễ dãi, lỏng lẻo khi cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, cộng với khâu hậu kiểm không tốt, dẫn đến doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp trốn thuế, nợ thuế.. . “Thông thoáng, thuận lợi là tốt, nhưng phải hậu kiểm chặt chẽ. Chứ như hiện nay đăng ký làm chủ doanh nghiệp có thể còn dễ hơn đăng ký chạy xe grab”, ĐB Ngân nhận xét.
ĐB Trần Hoàng Ngân còn đưa ra một kiến nghị đáng lưu ý khác, đó là Quốc hội có thể thực hiện chất vấn lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng đến xã hội khi xảy ra những sự cố bất thường.