Đề xuất Bộ Công an quản lý dịch vụ đòi nợ thuê
Bộ Công an sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm liên quan đến dịch vụ đòi nợ thuê.
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, trong đó đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bộ Tài chính cho rằng, dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. Cụ thể, dịch vụ này sử dụng nhân viên không đủ điều kiện, tiêu chuẩn; hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thậm chí một số công ty đòi nợ có hành vi "khủng bố", nhân viên có cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ...
Hơn nữa, hiện nay dịch vụ đòi nợ thuê được quy định trong Nghị định 104/2007 của Chính phủ nhưng chưa quy định cụ trể trách nhiệm quản lý của Bộ Công an, do vậy Bộ Tài chính đề xuất riêng những nội dung mà Bộ Công an phải chịu trách nhiệm gồm:
Bộ Công an sẽ là đầu mối chỉ đạo công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Bộ Công an cũng được đề xuất phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Được phép áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngoài ra, các địa phương được đề xuất có trách nhiệm thực hiện việc quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ và xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với những hành vi vi phạm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan; kiến nghị Bộ Công an xử lý các hành vi có dấu hiệu tội phạm.
Bộ Tài Chính Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan có liên quan trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Liên quan đến đề xuất trên của Bộ Tài Chính, chiều 23/8, trao đổi với VnExpress, đại diện Bộ Công an cho biết chưa nhận được văn bản cụ thể về việc này, tuy nhiên đây mới là dự thảo, cần phải có nhiều ý kiến đóng góp xây dựng của các ban ngành liên quan trước khi ban hành.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, dịch vụ đòi nợ thuê rất phức tạp, nhưng mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực này đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, ngoài ra hiện nay hiện nay với những nội dung nào liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ Công an thì Bộ vẫn có trách nhiệm làm theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.
Những điều cấm với dịch vụ đòi nợ thuê
Đối với chủ nợ hoặc khách nợ: Ủy quyền cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các hoạt động vượt quá quyền được pháp luật công nhận đối với chủ nợ hoặc khách nợ; thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện những hành vi lừa gạt, sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực đối với người của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của khách nợ, chủ nợ và tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Sử dụng các thông tin có được từ hoạt động dịch vụ đòi nợ gây bất lợi tới chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho các mục đích khác ngoài nội dung được ủy quyền hoặc tiết lộ những thông tin đó cho tổ chức, cá nhân khác trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Thực hiện các hoạt động, hành vi vượt quá quyền được pháp luật công nhận hoặc vượt quá phạm vi đã được chủ nợ hoặc khách nợ ủy quyền.
Đại diện đồng thời cho cả chủ nợ và khách nợ để xử lý đối với cùng một khoản nợ.
Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Chính phủ về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.