Trao đổi về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh
Khu vực kinh tế cá thể đã và đang phát triển đa dạng, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện xóa đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hiện công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vẫn còn nhiều hạn chế như tình trạng trốn thuế, gian lận thuế và nợ đọng thuế gây thất thu ngân sách nhà nước. Để hạn chế thực trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với mục tiêu phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19.
Quy định về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn
Theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cụ thể: hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 3 tỷ đồng; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 10 tỷ đồng.
Về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Bộ Tài chính xây dựng hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam; cá nhân có tài sản cho thuê tại lãnh thổ Việt Nam; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam.
Người nộp thuế theo dự thảo hướng dẫn tại Thông tư này bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh bao gồm cả một số trường hợp sau: Hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật; Làm đại lý bán đúng giá đối với đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp của cá nhân trực tiếp ký hợp đồng với doanh nghiệp xổ số, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp...
Các phương pháp kê khai thuế theo nhóm đối tượng
Phương pháp kê khai thuế theo hướng dẫn tại dự thảo Thông tư này bao gồm:
Thứ nhất, phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế phát sinh theo kỳ tháng hoặc quý của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh căn cứ trên sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ theo quy định áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai theo hướng dẫn tại Thông tư này là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tự nguyện nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ thì được lựa chọn khai thuế theo quý. Trường hợp hộ, cá nhân mới ra kinh doanh thì khai thuế theo quý, từ năm thứ hai xác định khai thuế theo tháng hoặc quý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế nêu trên. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
Thứ hai, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh theo dự thảo tại Thông tư này là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế từng lần phát sinh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh theo dự thảo tại Thông tư này là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định bao gồm cả cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số; cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam.
Đối với cá nhân khai thuế từng lần phát sinh thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh là tổng doanh thu từ kinh doanh trong năm dương lịch (không bao gồm doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản - nếu có)...
Thứ ba, phương pháp khoán là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu ấn định của cơ quan thuế và được thông báo một lần số thuế phải nộp của cả năm cho người nộp thuế để người nộp thuế căn cứ thông báo thực hiện nộp thuế theo từng kỳ trong năm. Doanh thu ấn định của cơ quan thuế được xác định căn cứ trên: hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế; kết quả công khai thông tin, tiếp nhận ý kiến phản hồi về doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán theo hướng dẫn tại Thông tư này là hộ kinh doanh, cá nhân kinh không đáp ứng quy định về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh.
Hộ khoán không phải thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ. Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu; hộ khoán sử dụng hoá đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hoá đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hoá, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp hoá đơn lẻ.
Đối với hộ khoán thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm (không bao gồm doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản - nếu có). Trường hợp hộ khoán kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) bao gồm: Hộ khoán mới ra kinh doanh, hộ khoán kinh doanh thường xuyên theo thời vụ, hộ khoán ngừng/tạm ngừng kinh doanh thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.
Trường hợp hộ khoán hoạt động theo hình thức nhóm cá nhân, hộ kinh doanh thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định hộ khoán không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một (01) người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh trong năm tính thuế...
Cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ. Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản theo hướng dẫn tại điểm này gồm: cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống và/hoặc các phương tiện giải trí. Cá nhân cho thuê tài sản khai thuế theo từng lần phát sinh kỳ thanh toán hoặc khai thuế theo năm.
Cá nhân khai thuế theo từng hợp đồng hoặc khai thuế cho nhiều hợp đồng trên một tờ khai nếu tài sản cho thuê tại địa bàn có cùng cơ quan thuế quản lý. Đối với cá nhân cho thuê tài sản thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản phát sinh trong năm dương lịch. Trường hợp không phát sinh doanh thu cho thuê đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu trung bình của số tháng cho thuê thực tế thấp hơn mức doanh thu 100 triệu đồng bình quân cho 12 tháng trong năm dương.
Khi bên thuê tài sản trả tiền trước cho nhiều năm thì cá nhân khai thuế một lần đối với doanh thu trả trước để làm căn cứ xác định thuế phải nộp một lần. Số thuế phải nộp một lần được tính trên cơ sở doanh thu tính thuế xác định tương ứng cho từng năm theo các tháng thực tế phát sinh của năm dương lịch. Trường hợp có sự thay đổi về nội dung hợp đồng thuê tài sản dẫn đến thay đổi doanh thu tính thuế, kỳ thanh toán, thời hạn thuê thì cá nhân thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định của Luật Quản lý thuế cho kỳ tính thuế có sự thay đổi. Trong trường hợp trong hợp đồng thuê có thoả thuận tổ chức thuê tài sản là người nộp thuế thì bên thuê thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định và theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều này.
Các cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp thì theo mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng số tiền hoa hồng của đại lý, các khoản thưởng dưới mọi hình thức, các khoản hỗ trợ và các khoản thu khác mà cá nhân nhận được trong năm dương lịch từ các hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp.
Mức thuế khoán xác định doanh thu tính thuế
Tại Dự thảo Thông tư, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh mức thuế khoán xác định doanh thu tính thuế của hộ khoán có điểm mới so với hiện hành đó là trường hợp hộ khoán có thay đổi doanh thu thì cơ quan thuế sẽ điều chỉnh tăng hoặc giảm theo thực tế nếu doanh thu có thay đổi từ 20% trở lên.
Bộ Tài chính cho biết, việc sửa đổi tỷ lệ điều chỉnh mức thuế khoán từ 50% xuống 20% để đảm bảo để phù hợp thực tế, đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế, đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 và mức giao tăng dự toán hàng năm đối với khu vực ngoài quốc doanh trong đó bao gồm: hộ kinh doanh thường ở mức từ 10% đến 20% (theo số liệu báo cáo thực tế trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay) nhưng cơ quan thuế chỉ có thể điều chỉnh tăng mức thuế khoán nếu doanh thu tăng trên 50 triệu đồng.
Dự thảo Thông tư quy định về thời điểm xác định doanh thu tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; cá nhân kinh doanh khai thuế từng lần phát sinh thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm xác định doanh thu tính thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Đối với hộ khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.
Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh. Đối với doanh thu hoá đơn do cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm xác định doanh thu tính thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định đối với cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm cá nhân thực nhận thu nhập. Trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số mà nhà cung cấp nền tảng số ở nước ngoài có thỏa thuận đối tác tại Việt Nam thực hiện chi trả thu nhập cho cá nhân thông qua tổ chức đối tác tại Việt Nam thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế là thời điểm tổ chức đối tác tại Việt Nam thực nhận khoản chi trả cho cá nhân từ đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2021), Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh; quy định về cơ quan đăng ký kinh doanh và quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh;
2. Bộ Tài chính (2021), Dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-huong-dan-thue-va-quan-ly-thue-doi-voi-ho-kinh-doanh-ca-nhan-kinh-doanh-467891.aspx#_ftn11.
(*) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021