Đề xuất quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh quy mô lớn


Để tăng cường quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, đặc biệt là các hộ quy mô lớn, kịp thời ngăn chặn tình trạng sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa đầu vào, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư về thuế và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, trong đó, có quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh quy mô lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý thuế với hộ kinh doanh lớn, Bộ Tài chính đề xuất các hộ kinh doanh lớn có thể kê khai thuế theo tháng hoặc quý và không phải quyết toán thuế. Các hộ này sẽ phải thực hiện việc khai và nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử khi cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Khi cơ quan thuế chưa triển khai, hộ kinh doanh lớn vẫn khai hồ sơ giấy và sử dụng hóa đơn giấy do cơ quan thuế đặt in.

Bà Nguyễn Thi Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp nhỏ và vừa và Hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh việc khai, nộp thuế điện tử đối với hộ kinh doanh, trước tiên là đối với các hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai và tiến tới thực hiện khai, nộp thuế điện tử với cả hộ khoán. Các hộ kinh doanh có quy mô lớn sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ như một doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng ở mức đơn giản hơn.

Về mục đích chính của quy định quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn được đưa vào Luật, bà Lan nhấn mạnh là để quản lý chặt chẽ những hộ lớn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng, tránh buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng để hợp thức hóa đầu vào cho doanh nghiệp.

Cụ thể, hộ kinh doanh quy mô lớn nộp thuế theo tỷ lệ thuế suất trên doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh, không tính thuế theo doanh thu trừ chi phí nên thực hiện chế độ sổ kế toán đơn giản, chỉ gồm 4 loại sổ (sổ theo dõi doanh thu, theo dõi tiền lương, theo dõi các chi phí quản lý và sổ theo dõi dịch vụ mua vào) và không phải lập báo cáo tài chính. Khi thực hiện khai thuế tháng hoặc quý thì nộp kèm theo Bảng kê hoạt động kinh doanh và không phải quyết toán thuế.

Như vậy, sẽ giảm thiểu thủ tục hành chính cho người nộp thuế, đồng thời cơ quan thuế cũng có đầy đủ thông tin để quản lý thuế theo cơ chế rủi ro. Trường hợp hộ kinh doanh không đáp ứng tiêu chí hộ quy mô lớn nhưng có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì được khuyến khích sử dụng hóa đơn và phải thực hiện chế độ kế toán, nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Dự thảo Thông tư quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng hướng dẫn, đối với những hộ không có địa điểm kinh doanh cố định, kinh doanh không thường xuyên, nộp thuế theo từng lần phát sinh và hộ khoán, sử dụng hóa đơn cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh, khai, nộp thuế trước khi được cấp hóa đơn lẻ thì không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, tài liệu có liên quan để chứng minh hàng hóa hợp pháp kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh cấp, bán hóa đơn lẻ.

Việc quản lý hộ kinh doanh cũng được triển khai theo các phương thức mới đó là quản lý thuế thông qua các tổ chức nhằm tăng cường việc giám sát tuân thủ pháp luật giữa các tổ chức và cá nhân, đồng thời giảm thiểu đầu mối kê khai nộp thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế.

Theo đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra hộ kinh doanh và tổ chức liên quan trên cơ sở dữ liệu, theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Đồng thời, chỉ kiểm tra tại trụ sở đối với những trường hơp rủi ro cao, có dấu hiệu vi phạm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Hiện Dự thảo Thông tư đã được Bộ Tài chính hoàn thành đăng tải trên Cổng Thông tin Bộ Tài chính, xin ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Mời xem nội dung Dự thảo Thông tư tại đây.

Theo Dự thảo Thông tư, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn quy định tại Khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể, đó là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 3 tỷ đồng; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người và tổng doanh thu của năm từ 10 tỷ đồng.