Trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra trong cổ phần hóa, thoái vốn
Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), một trong những giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn tới là tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch.
Hệ thống cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện
Theo ông Phạm Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ và tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện theo hướng đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành 30 Nghị định, 03 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định, các Bộ đã ban hành 19 Thông tư, tập trung vào cơ chế, chính sách về cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với hệ thống luật mới ban hành, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước, đổi mới chính sách tập trung tạo động lực cho doanh nghiệp nhà nước phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Đồng thời, hoàn thiện chính sách quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước phù hợp với mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu độc lập chuyên trách.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH MTV do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP và Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.
Các nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đã tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nói chung và chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng, ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước, tập trung vào công tác xác định giá trị tài sản và xử lý đất đai của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra
Ông Phạm Văn Đức cho biết, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, đã có 180 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.690 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.792 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 180 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (đạt 30% kế hoạch). Về thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2020 đạt 27.312 tỷ đồng, thu về 177.397 tỷ đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó có nguyên nhân chủ quan từ tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước chưa thống nhất dẫn tới lúng túng trong hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; Đa số các tập đoàn, tổng công ty chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa...
Để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất, trong thời gian tới, cần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Đồng thời, sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu tập trung trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ; xử lý cơ bản dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn, có thương hiệu tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Thời gian tới, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp gắn với giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch trong cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; rà soát, nghiên cứu quy định việc không tính giá trị đất vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.
Đặc biệt, cần đổi mới cách thức thực hiện gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và việc tăng tính chủ động cho doanh nghiệp nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới phương thức giám sát, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trọng tâm hoàn thiện thể chế cho giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13. Theo đó, hoàn thiện, xây dựng khung khổ pháp lý về quản lý, đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nhà nước, tạo động lực, sức ép để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước chủ động sắp xếp để giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt các doanh nghiệp trong nước phát triển; khu vực doanh nghiệp nhà nước thực sự là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.