Trí tuệ nhân tạo sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á như thế nào?


AI có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, nhưng các nhà hoạch định chính sách có thể chống lại điều này bằng mạng lưới an toàn xã hội hiệu quả hơn, triển khai các chương trình đào tạo lại kỹ năng và ban hành các quy định để thúc đẩy việc sử dụng công nghệ một cách có đạo đức.

Theo nhận định của các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương có khả năng sẽ trải qua những thay đổi trên thị trường lao động do sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Khoảng một nửa số việc làm trong các nền kinh tế phát triển bị ảnh hưởng bởi AI, so với chỉ khoảng một phần tư ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Tuy nhiên, trong Báo cáo triển vọng kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương mới nhất của IMF cũng nhận định, có nhiều công việc hơn tại các nền kinh tế tiên tiến trong khu vực có thể được AI hỗ trợ, nghĩa là công nghệ này có khả năng sẽ nâng cao năng suất thay vì thay thế hoàn toàn những vai trò này.

Sự tập trung của những công việc như vậy ở các nền kinh tế phát triển của châu Á có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia theo thời gian. Trong khi khoảng 40% công việc ở Singapore được đánh giá là được AI hỗ trợ thì tỷ lệ này chỉ là 3% ở Lào.

AI cũng có thể làm tăng bất bình đẳng trong các quốc gia. Hầu hết người lao động có nguy cơ mất cơ hội làm việc trong các nhóm công việc dịch vụ, bán hàng và hỗ trợ văn phòng.

Trong khi đó, những người lao động có nhiều khả năng được hưởng lợi từ AI thường làm việc trong các vai trò quản lý, chuyên môn và kỹ thuật viên vốn đã có xu hướng nằm trong số những nghề được trả lương cao hơn.

Các chuyên gia IMF cũng nhận thấy thấy rằng, phụ nữ có nhiều khả năng gặp rủi ro do AI hơn vì họ thường xuyên làm các nhóm công việc dịch vụ, bán hàng và văn phòng.

Ngược lại, nam giới có mặt nhiều hơn trong các ngành nghề không có khả năng bị AI tác động ở giai đoạn này, như công nhân nông trại, người vận hành máy móc và công nhân có kỹ năng thấp.

Các nhà hoạch định chính sách có thể giải quyết mối đe dọa từ tình trạng bất bình đẳng ngày càng trầm trọng như thế nào?

Đầu tiên, mạng lưới an sinh xã hội hiệu quả kết hợp với các chương trình đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng sẽ đóng vai trò quan trọng để đạt được quá trình chuyển đổi AI toàn diện.

Thứ hai, giáo dục và đào tạo để giúp lực lượng lao động tận dụng những gì AI có thể làm được sẽ đặc biệt có liên quan ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á, vì ở đó có tương đối ít công việc mà AI có thể giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn.

Giáo dục, đào tạo cũng sẽ giúp những người lao động bị mất việc chuyển sang các vai trò mới và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển giúp tăng cường đổi mới.

Ngoài ra, chính phủ nên thiết lập các quy định thúc đẩy việc sử dụng AI có đạo đức và bảo vệ dữ liệu. Làm như vậy có thể giảm thiểu rủi ro do AI gây ra và tận dụng tốt hơn các cơ hội tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất.

Theo H.Y/thitruongtaichinhtiente.vn