Triển khai Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở tỉnh Bến Tre


Hiện tỉnh Bến Tre đang triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (27/7/2020). Bước đầu, kinh tế ban đêm được tập trung phát triển chủ yếu tại TP. Bến Tre.

Một góc chợ đêm TP. Bến Tre.  Ảnh: Nguyễn Sự
Một góc chợ đêm TP. Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Sự

Phát triển tại TP. Bến Tre

Kinh tế ban đêm được tập trung phát triển chủ yếu tại TP. Bến Tre, với các hoạt động như: Chợ đêm Bến Tre, Phố ẩm thực du lịch đêm Bến Tre, Phố đêm xứ Dừa, siêu thị và một số điểm ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí do doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng với một số loại hình như: Đờn ca tài tử Nhà Dừa, homestay, mua sắm, ẩm thực, xem đom đóm trên sông.

Tại các huyện, kinh tế ban đêm chưa có nhiều hoạt động và còn yếu, chủ yếu là mang tính tự phát tại các khu vực dân cư đông, chưa có khu mua bán tập trung. Các loại hình dịch vụ ban đêm chủ yếu là các cửa hàng tiện ích, với các mặt hàng ăn uống, vui chơi giải trí cho các em thiếu nhi.

Thực hiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định số 1730/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.

Sở Công Thương tỉnh Bến Tre phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng đề án với tổng kinh phí 895 triệu đồng. Đề án tập trung xây dựng vào 4 lĩnh vực: dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí (các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình, hoạt động giải trí, lễ hội, sự kiện...); dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar...); dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm...); du lịch (tham quan các điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc...).

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận, kết quả triển khai năm 2022, các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm giải quyết việc làm cho 4.230 lao động, chiếm khoảng 20% lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: buôn bán tại các chợ đêm, dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhà hàng, khách sạn, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, âm nhạc, các chương trình giải trí lễ hội, sự kiện...

Hoạt động tuyên truyền phổ biến về những lợi ích, cơ hội, chủ trương phát triển kinh tế ban đêm, các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động này được ngành thông tin, truyền thông tập trung phổ biến gắn với truyền thông về: tác hại của ma túy, các chất kích thích, các chất gây nghiện đối với sức khỏe và tương lai của mỗi người; truyền thông về ý thức tuân thủ quy định của pháp luật và đạo đức kinh doanh; tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường, hạn chế chất thải rắn, sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong phục vụ sinh hoạt, ăn uống của du khách và người tiêu dùng; liên kết với cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn sức khỏe, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuân thủ các quy định về kinh doanh, bán hàng cho du khách và người tiêu dùng theo giá niêm yết.

Các doanh nghiệp viễn thông đảm bảo hạ tầng mạng lưới viễn thông, đường truyền băng rộng cố định và mạng thông tin di động hoạt động liên tục, thông suốt và ổn định, cung cấp các dịch vụ viễn thông đảm bảo chất lượng để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ thông tin liên lạc, học tập, làm việc, giải trí, thực hiện các dịch vụ trực tuyến... của người dân, tổ chức và doanh nghiệp…

Tạo điểm nhấn “Phố đêm xứ Dừa”

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận, đến thời điểm hiện nay, tỉnh chưa hoàn chỉnh được khuôn khổ Đề án Phát triển kinh tế ban đêm nên trong năm các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố chưa định hình được các hoạt động tiếp theo để mời gọi, phát triển, quản lý các loại hình trong đề án.

Hầu hết các hoạt động kinh tế ban đêm của tỉnh hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Sản phẩm, dịch vụ ban đêm chưa đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa nhiều. Trong khi đó, trên cả nước, mô hình kinh tế ban đêm chưa có địa phương nào triển khai thực hiện đầy đủ theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, đánh giá một số mô hình, cách thức quản lý tương đồng để phát triển kinh tế ban đêm chưa thực hiện được. Một số cơ sở kinh doanh vì lợi ích kinh tế cố tình vi phạm như: kinh doanh các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gian lận thương mại, mua bán hàng giả, hàng cấm.

Về kế hoạch thực hiện năm 2023, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trường Hận cho biết: Sẽ triển khai thực hiện Đề án Phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng thương mại gắn với quy hoạch. Tổ chức, phối hợp tổ chức và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh gắn với triển lãm giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.

Tiếp tục quan tâm thực hiện công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phát triển kinh tế ban đêm tại địa phương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai Đề án “Phố đêm xứ Dừa” trên địa bàn TP. Bến Tre để tạo điểm nhấn. Chấn chỉnh lại hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi, nhất là đảm bảo hoạt động đúng 24/24 giờ theo cam kết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cho du khách khi đến tham quan, du lịch, nghỉ đêm tại Bến Tre.

 

Thực hiện chính sách ưu đãi về giải quyết việc làm phục vụ cho việc phát triển kinh tế ban đêm, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre đã cho vay 850 dự án, với số tiền 34 tỷ đồng cho các hộ kinh doanh, buôn bán các mặt hàng ăn uống, lưu trú, thủ công mỹ nghệ, quần áo, giày dép... với lãi suất ưu đãi, mức cho vay từ 40 - 50 triệu đồng/hộ theo hình thức vay tín chấp.

Theo Cẩm Trúc/ Báo Đồng Khởi