Thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam
Nhìn tổng thể, kinh tế ban đêm tạo ra guồng quay không ngừng nghỉ để nền kinh tế được vận hành ở tốc độ tối đa. Ngoài đóng góp lớn về mặt kinh tế, kinh tế ban đêm tạo ra những bước chuyển lớn cho các ngành dịch vụ, du lịch trong nước, tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế, đặc biệt sau những thoái trào do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay.
Lợi thế của kinh tế ban đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền. Do đó, kinh tế ban đêm càng được đầu tư đa dạng và phong phú, thì càng có khả năng giữ chân được du khách. Từ đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc vận hành cách hoạt động, dịch vụ kèm theo, thu hút đầu tư vào các loại hình du lịch “thành phố 24h”. Bài viết này bàn về thực trạng phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Sự hình thành và phát triển ấy được minh chứng qua những số liệu cụ thể: tại Vương quốc Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ kinh tế ban đêm đạt 66 tỷ Bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm; hay tại Australia, quy mô doanh thu từ kinh tế ban đêm ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ đôla Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này và tạo việc làm cho 1,1 triệu người[3]. Dù vậy, chỉ đến khi Trung Quốc - nền kinh tế đang phát triển lớn nhất - chủ trương nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế ban đêm, mô hình này mới nhận được sự quan tâm từ các nước châu Á khác.
Còn tại Việt Nam, khái niệm này cũng bắt đầu được chú ý trong thời gian gần đây. Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam” với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội[1].
Có thể thấy rõ, kinh tế ban đêm sẽ góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, đi kèm với những mặt sáng, triển vọng, kinh tế ban đêm vẫn luôn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội.
2. Những thuận lợi và khó khăn để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam
2.1. Thuận lợi
Như tên gọi, kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm. Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào định nghĩa, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Dù theo định nghĩa nào, kinh tế ban đêm gắn với một cách nhìn nhận mới: khung giờ đêm là một không gian cho hoạt động kinh tế, gắn với sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, việc làm, thu nhập và giá trị cho xã hội, chứ không chỉ là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc. Tất nhiên, đi với khung giờ ban đêm, các hoạt động kinh tế có thể tập trung vào một số lĩnh vực đặc thù hơn, chẳng hạn như ăn uống, mua sắm, giải trí, văn hóa, nghệ thuật,…
Những năm gần đây, vai trò của kinh tế đêm ngày càng được nhấn mạnh như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể của nhiều quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng, nâng tầm hình ảnh và danh tiếng của các thành phố, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người dân. Kinh tế đêm đã trở thành biểu tượng sức sống của các đô thị. Các đô thị hàng đầu lâu đời như London, New York, hay mới nổi như Bắc Kinh, Bangkok đều có nền kinh tế đêm phát triển sôi động và giàu bản sắc.
Từ góc độ văn hóa, đêm cũng là không gian cơ bản để tăng cường giao tiếp xã hội và phát triển ý thức bản thân, đặc biệt là cho giới trẻ. Các hoạt động giải trí vào ban đêm giúp người dân thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn và thành phố sống động hơn.
Từ góc độ kinh tế, lợi ích của kinh tế ban đêm giúp góp phần tái cấu trúc ngành công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập mới cho địa phương và cho quốc gia; tái thiết và phát triển khu vực đô thị và các khu vực không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày; khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương; nuôi dưỡng ngành Du lịch, thu hút khách du lịch;…
Ở góc tiếp cận khác, kinh tế ban đêm tồn tại như một hiện thực khách quan, do thị trường dẫn dắt. Kinh tế ban đêm có khả năng mang lại lợi ích lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế. Do vậy, thay vì chỉ quan ngại và đưa ra các giải pháp nhằm xử lý rủi ro, thách thức từ kinh tế ban đêm, Nhà nước có thể chủ động phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách và đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng.
Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm nhờ vào các yếu tố tự nhiên như: có nhiều tài nguyên du lịch và đang ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của các du khách quốc tế,…; những yếu tố như văn hóa nghệ thuật, ẩm thực đặc sắc cùng với mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu, một lượng lớn dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại các thành phố,… sẽ tạo nên nhiều tiềm năng để Việt Nam có thể phát triển kinh tế ban đêm.
Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance đã công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, theo đó, Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia với chỉ số an toàn đạt 11,15 điểm, xếp trên cả Thái Lan với 12,27 điểm. Điều này khá dễ hiểu khi Việt Nam có nền chính trị ổn định, hiếm khi xảy ra bạo động, tranh chấp lãnh thổ và chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện[3].
Trên thực tế, các loại hình kinh tế ban đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn tại Việt Nam, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… thể hiện ở mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố đặc trưng giải trí, như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP. Hồ Chí Minh), Bà Nà Hills (Đà Nẵng),…
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, hệ thống cửa hàng Circle K đã có mặt tại Việt Nam vào năm 2008 và từ năm 2013 hoạt động theo mô hình 24/7[2].
Văn hóa, giải trí luôn phát triển song hành cùng kinh tế ban đêm. Do vậy, kinh tế ban đêm cũng tạo ra cú hích rất lớn cho sự phát triển của thị trường này, như: âm nhạc, tổ chức sự kiện, lễ hội đường phố và các loại hình giải trí, truyền thông khác. Môi trường và nhu cầu thực tế càng sôi động sẽ tạo ra động lực để nền công nghiệp giải trí phát triển và đóng góp nhiều hơn cho văn hóa xã hội của Việt Nam.
Kinh tế ban đêm cũng tạo công ăn việc làm mới cho người lao động Việt Nam, đồng thời góp phần duy trì ổn định xã hội. Bởi, các loại hình dịch vụ phong phú, đa dạng của kinh tế ban đêm luôn đòi hỏi số lượng lao động lớn. Nhu cầu nhân lực không chỉ dừng lại là bồi bàn, đầu bếp, phục vụ quán ăn, nhà hàng, mà còn cần một số lượng lớn nhân công vận tải, lái xe, kỹ sư, bảo vệ, quản lý, nhân công vệ sinh, kỹ thuật, chuyên gia hỗ trợ công nghệ thông tin, nghệ sĩ biểu diễn, nhân công tổ chức sự kiện và các ngành nghề khác.
2.2. Khó khăn
Bên cạnh những lợi ích mà kinh tế ban đêm mang lại, còn gặp phải những rủi ro tiềm ẩn khác cần nhận diện, đó là: tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn, như: chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát,… Hơn nữa, tiếng ồn khiến cho một bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động. Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể cũng phải chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại của những người tham gia hoạt động ban đêm. Bên cạnh đó là sự xuất hiện chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường;…
Ở Việt Nam, kinh tế ban đêm phát triển còn chậm và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu nổi bật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động kinh tế ban đêm mới chỉ được khai thác ở quy mô nhỏ, mang tính riêng lẻ, manh mún tại một số khu vực, chưa tạo được dấu ấn. Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam thấp so với các thị trường khác. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), năm 2016, doanh thu của các hộ kinh doanh mở cửa đến 2 giờ sáng tăng hơn 50%, nhưng đến năm 2018 chỉ tăng khoảng 30%, khiến số hộ đăng ký hoạt động ban đêm ngày càng giảm xuống. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thiếu hấp dẫn vì đến Việt Nam không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm[2].
Hơn nữa, sự phát triển của kinh tế ban đêm vô tình có thể trở thành môi trường thuận lợi làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến, như: mại dâm, ma túy, cờ bạc,… gây khó khăn cho các nhà quản lý xã hội. Chẳng hạn, lượng tiêu thụ đồ uống chứa cồn có xu hướng gia tăng khi phát triển kinh tế ban đêm. Các vụ vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng cũng có nguy cơ diễn ra như một hệ lụy của việc lạm dụng rượu bia và sử dụng các đồ uống có cồn. Những hiện tượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây phức tạp về tình hình an ninh trật tự và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng.
Không chỉ vậy, hoạt động kinh tế ban đêm còn tạo ra vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải; rủi ro phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, còn là áp lực về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu, như: xử lý chất thải, cung cấp điện, nước,… giám sát các vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, giá cả hàng hóa,...
3. Đề xuất một số giải pháp
Để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ có sẵn liên quan đến các vấn đề đất đai, nhân lực, công nghệ,… từ đó đưa ra phương hướng phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện cụ thể:
Một là, Nhà nước cần chủ động rà soát chính sách và khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm. Trong đó, tập trung vào các quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển ban đêm; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tham gia kinh tế ban đêm. Phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm.
Hai là, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu và xây dựng mô hình phát triển kinh tế ban đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở mỗi địa phương, đặc biệt phù hợp với khả năng xây dựng các cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư và khả năng huy động, thu hút đầu tư ở từng địa điểm cụ thể. Các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm cần có sự tính toán kỹ lưỡng các yếu tố ảnh hưởng, tác động đến địa phương dựa trên nhu cầu và việc khai thác tối đa thế mạnh, cũng như yêu cầu và khả năng bố trí nguồn lực quản lý và hỗ trợ của địa phương. Để phát triển kinh tế ban đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Ba là, đối với chính quyền quản lý và lực lượng chuyên trách, cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát và nắm tình hình nhằm phòng ngừa việc xuất hiện các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Thường xuyên triển khai các đợt vận động truy quét tội phạm, thể hiện tính tích cực, thường xuyên của các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực tại chỗ làm công tác kiểm soát và quản lý về an ninh trật tự bên cạnh lực lượng chính quy, ví dụ như huy động bảo vệ, quản lý trật tự khu phố.
Bốn là, sự hiệp lực giữa trường đại học với Nhà nước và các doanh nghiệp được coi là động lực cốt yếu của những xã hội và những nền kinh tế dựa trên tri thức. Đẩy mạnh việc hợp tác này và khai thác giá trị của nó có thể giúp nhà trường tháo gỡ những khó khăn về tài chính và giúp các doanh nghiệp đạt được hoặc duy trì ưu thế cạnh tranh trong thị trường năng động ngày nay. Đồng thời còn đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động nói chung và nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển các ngành dịch vụ, du lịch để phát triển kinh tế ban đêm nói riêng.
Năm là, có chiến dịch tuyên truyền rộng khắp tới quần chúng nhân dân, nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia các hoạt động thúc đẩy kinh tế ban đêm. Ngoài ra, thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ tội phạm tới người dân và du khách để có được kiến thức, kỹ năng khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch, mua sắm ban đêm cũng như cách thức ứng phó trong các tình huống bất ngờ.
4. Kết luận
Phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế, đồng thời mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được việc phát triển kinh tế ban đêm, Việt Nam sẽ phải trải qua một chặng đường “đầy chông gai” với những thách thức phía trước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Thủ tướng Chính phủ (2020). Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
- Tô Hà (2021). "Thắp sáng" kinh tế ban đêm, truy cập từ https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/-thap-sang-kinh-te-ban-dem-630605.
- Global Finance (2019). World's Safest Countries 2019, https://www.gfmag.com/global-data/non-economic-data/worlds-safest-countries-2019.