Triển khai hàng loạt các biện pháp thu hồi nợ đọng
(Tài chính) Tính đến 31/3/2013, nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan là khoảng 6.003 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2012 tăng khoảng 221 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu hồi nợ thuế mà Hải quan thu được của các tờ khai phát sinh trước năm 2013 và của các tờ khai phát sinh năm 2013 là khoảng 562 tỷ đồng... điều này cho thấy, ngành Hải quan đã nỗ lực trong công tác thu hồi nợ đọng.
Nhận định khó khăn
Phân tích con số 6.003 tỷ đồng nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành Hải quan, Bà Lỗ Thị Nhụ- Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, số nợ này đa số là nợ phát sinh trước khi Luật thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực thi hành (trước 1/1/2006) doanh nghiệp (DN) được nợ thuế mà không ràng buộc điều kiện phải là DN chấp hành tốt pháp luật thuế như Luật Quản lý thuế nên có một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn, hoặc tự giải thể, hiện nay số nợ thuế giải thể, phá sản, bỏ trốn tại thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Bên cạnh đó, tuy Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007 đã góp phần công khai, minh bạch các thủ tục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan Hải quan, đã khắc phục một số tồn tại về quản lý thuế trước đây như DN muốn được ân hạn thuế phải chấp hành tốt pháp luật thuế... nhưng trong quá trình thực hiện một số điều Luật còn hạn chế như việc cho ân hạn nộp thuế trong thời gian dài đối với hàng tạm nhập - tái xuất và hàng hoá nhập khẩu khác (trừ hàng tiêu dùng) nhưng không phải bảo lãnh, nên khi đã giải phóng hàng, một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn hoặc dù có khả năng thanh toán vẫn dựa vào chính sách của Nhà nước để chiếm dụng vốn, không nộp thuế đúng hạn.
Một nguyên nhân nữa, đó là quá trình thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế đã có tác động tích cực trong thu hồi nợ thuế, nhưng cũng bộc lộ những mặt hạn chế. Việc thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế (nếu không phát hiện người nộp thuế có hành vi bỏ trốn, tẩu tán tài sản) sẽ không thật sự hiệu quả do không được áp dụng những biện pháp cần áp dụng ngay một cách phù hợp nhất.
Lý giải cho số nợ thuế tăng của những tháng đầu năm 2013 có thể thấy, đó là do DN giải thể và phá sản khá nhiều... Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2013 có 13.011 DN ngừng hoạt động, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 1,7% so với quý trước đó. Trong đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 3.567, gần 9.500 đơn vị khác ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng thuế…
Hàng loạt giải pháp
Nhận định được những khó khăn này, Tổng cục Hải quan đã chú trọng tích cực triển khai các biện pháp thu đòi nợ thuế, cụ thể Tổng cục Hải quan đã ban hành để chỉ đạo một cách quyết liệt công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng và không để phát sinh nợ mới. Không chỉ có thế, Tổng cục Hải quan còn cử các đoàn đi hướng dẫn và kiểm tra tại các đơn vị hải quan địa phương nhằm đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện quyết liệt công tác thu hồi nợ…
Bà Lỗ Thị Nhụ cho biết, để khắc phục tình trạng trên, ngành Hải quan đã kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế; Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ; Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, theo hướng tăng cường công tác quản lý nợ thuế như: Quy định chặt chẽ hơn điều kiện áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu. Nhằm đảm bảo tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế. Khắc phục tình trạng chây ỳ, dây dưa, kéo dài việc nộp thuế sau đó bỏ trốn gây thất thu thuế, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Bổ sung quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt đối với khoản nợ thuế đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng không có khả năng thu hồi, góp phần làm trong sạch nợ thuế.
Bổ sung quy định về nộp dần tiền thuế trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế.
Đồng thời với đó là sửa đổi thứ tự các biện pháp cưỡng chế, đưa biện pháp dừng làm thủ tục hải quan lên biện pháp thứ 3 (hiện hành là biện pháp thứ 5), đồng thời sửa đổi bổ sung trong trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn tẩu tán tài sản thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời với các kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách, công tác về tổ chức thực hiện cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng như: nâng cấp hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (hệ thống KT559; Thành lập Ban thu hồi nợ thuế để định hướng, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác thu hồi nợ; hướng dẫn các Cục, Chi cục Hải quan nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý, thu hồi nợ, gắn trách nhiệm của cán bộ công chức với việc khen thưởng kỷ luật nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác thu hồi nợ; Phối hợp cùng với các cơ quan Công An, cơ quan pháp luật, cơ quan Thuế có liên quan để thu hồi nợ; Áp dụng đúng trình tự thanh toán tiền thuế theo quy định tại điều 45 Luật Quản lý thuế; Tổ chức xác minh tình trạng hoạt động của DN, thông báo cho Sở kế hoạch đầu tư biết những thành viên của Hội đồng quản trị DN có nợ thuế chây ỳ để lưu ý khi cấp phép thành lập DN mới.
Đặc biệt, hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng Quy trình theo dõi, quản lý nợ thuế, theo đó quy trình này sẽ quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện công tác theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Quy trình này áp dụng để theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cơ quan Hải quan các cấp và đưa ra các tiêu chí phân loại nợ (nhóm nợ khó thu, nhóm nợ chờ xử lý, nhóm nợ có khả năng thu), các bước thực hiện quản lý nợ… Và quy định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị từ cấp Tổng cục đến cấp chi cục…