Triển vọng ngân hàng Việt đầu tiên lãi tỷ đô đang dần rõ
Việt Nam đã xuất hiện ứng viên ngân hàng thương mại có triển vọng lợi nhuận đạt quy mô tỷ USD, trên cơ sở kết quả năm 2018 đã công bố cùng kế hoạch dự kiến năm 2019.
Đến thời điểm này nhiều ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh cơ bản năm 2018. Trong đó, hầu hết các "ông lớn" khối thành viên có tỷ lệ sở hữu Nhà nước lớn đều có kết quả khả quan.
Do quy mô lớn, đây cũng là khối có lợi nhuận dẫn đầu hệ thống về con số tuyệt đối, cũng là cơ sở để kỳ vọng vài năm tới Việt Nam sẽ bắt đầu có ngân hàng thương mại đạt lợi nhuận tỷ USD - quy mô để có thể từng bước so sánh với những ngân hàng toàn cầu như Standard Chartered, ANZ…
Ứng viên lộ diện
Kỳ vọng trên đến khá nhanh, khi năm 2017, Việt Nam mới bắt đầu xuất hiện ngân hàng thương mại có lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ. Và tốc độ thể hiện rõ hơn ở sự gia tăng năm 2018.
Báo cáo tại hội nghị toàn ngành ngân hàng ngày 9/1, trong nhóm ngân hàng lớn trên có Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) ước tính lợi nhuận năm qua đã đạt khoảng 9.500 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cũng đạt kỷ lục lợi nhuận với 7.525 tỷ đồng.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dự kiến sẽ là thành viên vượt quy mô 10.000 tỷ lợi nhuận năm 2018; ứng viên ở mức này cũng đang chờ Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) năm 2018 hoặc 2019.
Hiện Vietcombank vẫn còn khoản đầu tư khá lớn tại MB và Eximbank, cùng gần 5% tỷ lệ sở hữu. Chưa có bất cứ thông tin nào về khả năng sẽ thoái tiếp hay không trong 2019.
Những kết quả trên còn cách xa với quy mô tỷ "đô". Nhưng qua năm 2018, đặc biệt với kế hoạch 2019, ứng viên có thể đạt được quy mô này đã xuất hiện, với triển vọng của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank).
Tại hội nghị triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 sáng 10/1, Vietcombank đã chính thức công bố các dữ liệu và kế hoạch cụ thể. Theo đó, năm 2018, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 18.356 tỷ đồng. Năm 2019, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 12%, tương ứng với quy mô khoảng 20.500 tỷ đồng.
Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng trên 60% như năm 2018, Vietcombank sẽ sớm đạt quy mô lợi nhuận tỷ USD ngay trong năm 2019.
Hoặc với chỉ tiêu trên và tốc độ tăng trưởng theo chỉ tiêu được giữ ổn định, không có biến động tiêu cực bất thường, lộ trình có thể đạt trong vài năm tới.
Ẩn số trích lập dự phòng
Báo cáo tại hội nghị trên cho thấy, 2018 là năm đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa Vietcombank đưa được tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mốc 1% một cách thực chất.
Nhưng đáng chú ý hơn, ngân hàng này đang để một nguồn "để dành" rất lớn ở trích lập dự phòng.
Cụ thể, đến cuối 2018, tỷ lệ bao phủ nợ xấu nội bảng của Vietcombank đã lên tới 169,7%, số dư nợ xấu chỉ khoảng 6.200 tỷ nhưng quỹ dự phòng đã lên tới 10.490 tỷ đồng.
Phần dôi hơn 4.000 tỷ đồng trong cân đối trên là đáng chú ý. Trong khi khả năng thu hồi nợ tại đây khá tốt, năm 2018 lượng nợ ngoại bảng thu hồi được lên tới 3.271 tỷ đồng.
Những con số trên xuất phát từ cơ chế trích lập dự phòng của Vietcombank thực hiện những năm gần đây, khi giảm gần như tối đa mức độ chiết khấu giá trị tài sản đảm bảo khi trích lập dự phòng. Ngoài ra, một phần nợ nhóm 2 không phải là nợ xấu cũng phải trích lập dự phòng, cùng phần trích lập dự phòng chung theo quy định.
Bên cạnh tiềm năng lợi nhuận hoàn nhập từ xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng, từ năm 2019 ngân hàng này có thêm nguồn lực vốn chủ sở hữu gia tăng, qua kết quả chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, thu về 6.200 tỷ đồng, theo thông cáo phát đi chính thức ngày 9/1.
Năm 2018, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 18.356 tỷ đồng. Năm 2019, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 12%, tương ứng với quy mô khoảng 20.500 tỷ đồng.
Cũng tại hội nghị trên, Vietcombank đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019, với 15%, cao hơn mức định hướng chung 14% của ngành.
Có một điểm được nhìn đến trong kết quả 2018 của ứng viên này là lợi nhuận từ loạt kế hoạch thoái vốn, ước ghi nhận khoảng 1.600 - 1.800 tỷ đồng. Vậy năm 2019 còn sự đóng góp này không? Hiện Vietcombank vẫn còn khoản đầu tư khá lớn tại MB và Eximbank, cùng gần 5% tỷ lệ sở hữu. Chưa có bất cứ thông tin nào về khả năng sẽ thoái tiếp hay không trong 2019.
Nhưng ở một triển vọng khác, bên cạnh hoạt động kinh doanh hiện có, việc tham gia kênh bảo hiểm với nguồn thu phí dịch vụ lớn như đã thể hiện tại nhiều ngân hàng thương mại khác cũng là một hướng mới tại Vietcombank nếu sớm triển khai, tạo thêm triển vọng để tiến gần hơn tới quy mô lợi nhuận tỷ "đô" với gói thầu đã được bàn đến trong năm 2018.