Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực

Theo nhandan.com.vn

Tại hội thảo Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức, Trưởng đại diện JETRO tại Việt Nam Ta-kê-ô Na-ca-chi-ma nhận định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ phục hồi ngay khi dịch Covid-19 được khống chế.

Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực.
Triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực.

Lý do được đưa ra là Chính phủ Việt Nam có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và từng bước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết các tổ chức tài chính quốc tế dự báo, trong số các nước Đông - Nam Á, duy nhất kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay. 

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh ưu tiên triển khai gói hỗ trợ khôi phục kinh tế sau dịch Covid-19 và bảo đảm lợi ích  cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tại Diễn đàn kinh tế Brúc-xen ngày 8/9, giới chức EC khẳng định, gói tài chính trị giá 1.850 tỷ ơ-rô mà Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua sẽ giúp các nền kinh tế thành viên tăng khả năng phục hồi mạnh mẽ và toàn diện.

Đối với nước Anh, trong khuôn khổ chiến lược khôi phục kinh tế sau đại dịch, Chính phủ Anh công bố kế hoạch đào tạo hàng trăm chuyên gia về dữ liệu và công nghệ trong hoạch định chính sách. Kế hoạch mang tên “Chiến lược dữ liệu quốc gia” đặt vấn đề dữ liệu ở vị trí trung tâm chương trình phục hồi kinh tế, nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo phục vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Mỹ, Nhà trắng kêu gọi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nối lại đối thoại nhằm đạt thỏa thuận về gói cứu trợ khẩn cấp giúp phục hồi kinh tế, trước ngày bầu cử 3/11 tới. Tuy nhiên, giới chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho rằng, nền kinh tế Mỹ  có thể trụ vững kể cả khi hai đảng không đạt được thỏa thuận về biện pháp kích thích kinh tế mới. 

Trong một diễn biến khác, Cục Thống kê Trung Quốc ngày 9/9 công bố số liệu cho thấy, ngành công nghiệp nước này tiếp tục phục hồi sau thời kỳ sụt giảm nghiêm trọng do dịch Covid-19. Chỉ số giá hàng hóa xuất xưởng (PPI) trong tháng 8/2020 chỉ giảm 2% so cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so mức giảm trong tháng 7. PPI giảm chậm lại nhờ sản xuất công nghiệp được cải thiện và nhu cầu thị trường phục hồi.

Tại Nam Phi, ngày 8/9, Tổng thống Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân chung tay tái thiết nền kinh tế đất nước bị đại dịch tàn phá. Lời kêu gọi được đưa ra ngay sau khi Cơ quan thống kê Nam Phi thông báo, GDP của nước này giảm tới 51% trong quý II/2020, do ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh phong tỏa nhằm chống dịch Covid-19.