Khả năng phục hồi kinh tế sẽ ra sao trong quý IV?
Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn trong quý IV, dự báo sản xuất và tiêu dùng Việt Nam tăng nhẹ, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt mức khoảng 3%.
Nhận định được đưa ra trong báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 9 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS). Với những diễn biến thời gian vừa qua, làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đã khiến triển vọng kinh tế ảm đạm hơn kỳ vọng trước đó. Theo dữ liệu về tăng trưởng sản xuất công nghiệp và doanh thu bán lẻ, VDS cho rằng tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ hai xuất phát từ Đã Nẵng lan ra một số tỉnh, thành phố trong cả nước đã phân hoá sâu sắc giữa các nhóm ngành.
Cụ thể, tăng trưởng vẫn duy trì trong một vài ngành như: dược phẩm, cao su và nhựa, nội thất và thiết bị điện; một số ngành cho thấy sự chuyển biến tích cực như sản xuất máy móc thiết bị, thiết bị vận tải và may mặc.
Khả năng phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tốt hơn trong quý IV nhờ nới lỏng có chọn lọc các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Ngược lại, đại dịch tiếp tục kìm hãm tăng trưởng của các ngành sản xuất chính như thực phẩm, kim loại, giấy, dệt may, hóa chất... Ngoài ra, việc giãn cách xã hội để khoanh vùng dập dịch cũng giúp giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với doanh thu bán lẻ. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại đi ra ngoài và du lịch tiếp tục gây ra nhiều khó khăn hơn cho ngành khách sạn và du lịch.
Nhưng, “Việt Nam lại một lần nữa hành động khéo léo và vượt qua đại dịch, Chính phủ đã áp dụng biện pháp phong tỏa cục bộ trong khi vẫn giữ nền kinh tế hoạt động bình thường nhất có thể”, nhóm phân tích báo cáo của VDS nhìn nhận.
Theo nhóm nghiên cứu của Rồng Việt, do diễn biến tăng nhẹ trong sản xuất và tiêu dùng thời gian vừa qua, tăng trưởng GDP trong quý III ước tính sẽ tăng ở mức 2,5%. Đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn trong quý IV nhờ nới lỏng có chọn lọc các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh như nối lại các chuyến bay quốc tế, đầu tư công tốt hơn và cải thiện niềm tin của người tiêu dùng và tâm lý kinh doanh đi cùng với hy vọng về vắc-xin ngừa virus trong năm 2021.
“Chúng tôi cho rằng chiến lược khoanh vùng ổ dịch có thể tạo ra phục hồi nhẹ trong tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm ở mức khoảng 3%, mặc dù mức này vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ trước Covid-19”, VDS dự báo.
Nhận định về tình hình kinh tế trong năm 2020 nhiều chuyên gia đánh giá, từ giờ đến cuối năm, nền kinh tế chắc chắn sẽ tiếp tục "ngấm đòn" từ đại dịch. TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng khống chế dịch của Chính phủ. Song, khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ từ 2-3% là cao nhất. Vừa qua, nền kinh tế dù đã có 2, 3 tháng phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế lần một nhưng tổng lại vẫn còn rất nhiều con số tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, triển vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan hơn nửa đầu năm. Điều này được thể hiện qua 3 góc độ.
Thứ nhất, dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn rất lớn. Nếu hoàn thành việc giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. Đầu tư công tăng 1% thì đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.
Thứ hai, tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện mới chỉ đạt 2,45% so với mục tiêu cả năm 13-14%, cho thấy còn nhiều dư địa tăng trưởng từ nay tới cuối năm.
Thứ ba, khảo sát xu hướng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có tới hơn 80% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình kinh doanh trong quý 3 sẽ ổn định hoặc tốt hơn so với trước đó. Chỉ có 19,4% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn.
Gói hỗ trợ thứ hai
Theo VDS, do tác động nghiêm trọng của đại dịch nên cần phải thực hiện nhiều biện pháp hơn để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế. Trong đó, trông đợi khá nhiều là ở gói hỗ trợ thứ hai đang được Chính phủ tính toán.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ có khoảng 28,5% gói hỗ trợ đầu tiên được giải ngân tính đến cuối tháng 7/2020 (khoảng 17.500 tỷ đồng). Tỷ lệ thực hiện thấp của gói hỗ trợ ban đầu đã đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp cận gói hỗ trợ của các nhóm chịu ảnh hưởng và những biện pháp nào có thể được sử dụng trong gói hỗ trợ thứ hai.
Hiện tại, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất gia hạn các biện pháp từ gói hỗ trợ đầu tiên, bao gồm mở rộng nhóm đối tượng thụ hưởng và sửa đổi điều kiện cho vay đối với khoản vay lãi suất 0% cho các doanh nghiệp để trả lương cho người lao động.
Ngoài ra, gói hỗ trợ thứ hai được đưa ra nhằm hỗ trợ nhóm người chịu ảnh hưởng mới (lao động thất nghiệp sống trong hoàn cảnh khó khăn) và tập trung vào việc thúc đẩy niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi.
Gói hỗ trợ này ước tính khoảng 18.600 tỷ đồng (khoảng 798 triệu USD, hay 0,31% GDP), thấp hơn nhiều so với gói đầu tiên.