Triển vọng tăng trưởng Việt Nam vẫn tích cực
Đó là nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) về tình hình kinh tế Việt Nam trong buổi họp báo "ĐIểm lại-Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam" ngày 1/7, tại Hà Nội.
Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam, báo cáo của WB đã chỉ ra những điểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng có tăng nhẹ trong vài tháng qua, áp lực lạm phát vẫn ở mức vừa phải do tăng trưởng tín dụng có phần chững lại.
Theo WB, tăng trưởng GDP trong năm 2019 của Việt Nam dự báo sẽ giảm còn 6,6%, tốc độ tăng trưởng dù chững lại nhưng vẫn rất tích cực, trong đó, chỉ số lạm phát dự kiến vẫn được duy trì dưới chỉ tiêu lạm phát chính thức là 4%.
Lý giải về điều này, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho biết, tăng trưởng gần đây giảm tốc là do tác động dội của những yếu tố bất lợi bên ngoài đối với các ngành kinh tế quan trọng.
Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và giá cả quốc tế suy giảm gây ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp. Đồng thời, sức cầu bên ngoài yếu đi làm tăng trưởng chững lại ở các ngành chế tạo chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu.
Rủi ro tiếp tục gia tăng, do tình trạng bất định toàn cầu tăng lên với khi căng thẳng thương mại tái leo thang và biến động tài chính nhiều hơn. Rủi ro bên ngoài còn trở nên phức tạp hơn khi kết hợp với những nguy cơ dễ tổn thương trong nước, bao gồm chậm trễ trong quá trình củng cố tình hình tài khóa, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng, gây ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư và viễn cảnh tăng trưởng. tuy nhiên trong nửa đầu năm 2019, đầu tư, tiêu dùng vẫn tăng rất mạnh; nhu cầu tiêu dùng vẫn tương đối vững trên cơ sở lương tăng và lạm phát thấp.
Nhận định về tăng trưởng GDP trong năm 2019, ông Sebastian Eckardt chia sẻ, tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết, tuy những cam kế của Hiệp định khó triển khai được ngay, tuy nhiên Hiệp định sẽ có nhiều tác động tích cực trong việc gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, tăng vốn FDI và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trước những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt, theo WB, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể điều chỉnh hợp lý chính sách kinh tế vĩ mô trong trường hợp các rủi ro tiếp tục gia tăng dẫn tới nguy cơ suy giảm các hoạt động kinh tế.
Trong bối cảnh kinh tế khôi phục mạnh mẽ hai năm qua, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn. Trong đó, có thể kể đến như kiềm chế tăng trưởng tín dụng và củng cố tài khóa nhằm tạo dựng thêm các khoảng đệm chính sách cần thiết, báo cáo khuyến nghị.
Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, cho rằng với những dấu hiệu chững lại, thậm chí là giảm sút các hoạt động kinh tế, Việt Nam nên cân nhắc về các chính sách vĩ mô nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng, kể cả quan điểm chính sách tiền tệ hỗ trợ nhằm kích thích tổng cầu của toàn bộ nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách cơ cấu bao gồm đổi mới khuôn khổ pháp lý, điều hành, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống ngân hàng là hết sức quan trọng nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư ngắn hạn cũng như cải thiện tiềm năng tăng trưởng đầu tư trung hạn.
Ông Sebastian Eckardt chia sẻ, để xử lý tình trạng bất định và căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng tăng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục tăng cường chiều sâu hội nhập thương mại qua các hiệp định song phương và khu vực, chẳng hạn như Hiệp định EVFTA và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP.