CPI 6 tháng đầu năm "hạ nhiệt" theo giá xăng dầu
Theo Tổng cục Thống kê, giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 3,55% tác động làm CPI chung 6 tháng đầu năm 2019 giảm 0,15%.
Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng 5/2019, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 1,73% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/6/2019 và 17/6/2019 làm giá xăng, dầu giảm 3,9% (tác động CPI chung giảm 0,16%).
Tính chung quý II/2019, CPI tăng 0,74% so với quý trước và tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do: Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018; Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,99% so với cùng kỳ năm 2018 do nhu cầu xây dựng tăng cùng với giá xi măng, sắt, thép và giá nhân công xây dựng tăng.
Thêm vào đó, giá sách giáo khoa năm học 2019-2020 tăng từ tháng 4/2019 làm chỉ số giá văn phòng phẩm tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018; Việc điều chỉnh giá điện sinh hoạt theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương làm giá điện sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2019 tăng 5,84% so với cùng kỳ năm 2018 cũng tác động làm tăng CPI.
Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2019 lại bị kiềm chế nhờ những nỗ lực của các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát...
Đồng thời, một số yếu tố cũng tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm như: Giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu giảm 3,55% (tác động CPI chung giảm 0,15%); Giá gas sinh hoạt giảm 0,3%; TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm mức thu học phí theo Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 làm chỉ số giáo dục chung cả nước tháng 2/2019 giảm 0,55% (tác động làm CPI chung giảm 0,03%).