Triển vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024: “Gạn đục, khơi trong”
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã và đang phát triển lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc, giúp nhà đầu tư có thể tìm kiếm nhiều cơ hội đầu tư thuận lợi.
Phục hồi mạnh mẽ cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp
Theo ông Trần Trần Phú Việt – Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Khối thông tin tài chính (FiinGroup), hoạt động phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp 6 tháng cuối năm có sự phục hồi mạnh mẽ. Giá trị phát hành trong quý III/2023 và nửa đầu quý IV lên tới hơn 161.000 tỷ đồng, tương đương 70% tổng giá trị phát hành từ đầu năm 2023. Riêng trong quý III/2023, giá trị phát hành TPDN thị trường sơ cấp tăng trưởng 180% so với cùng kỳ năm 2022.
Những đợt phát hành này chủ yếu từ các nhóm ngành Ngân hàng, Bất động sản (BĐS). Theo thống kê của FiinGroup, 11 tháng năm 2023, các ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với 110.248 tỷ đồng; BĐS đứng thứ hai với giá trị phát hành là 73.856 tỷ đồng. Xét về lãi suất huy động của các nhóm phát hành, ngành Ngân hàng là 6,98%, trong khi BĐS là 12%. Điều này cho thấy, mức độ rủi ro của từng nhóm ngành khác nhau.
Trên thị trường thứ cấp, ông Việt cho biết, hoạt động phát hành đã trở nên sôi động hơn rất nhiều, kể từ khi có sàn giao dịch TPDN riêng lẻ hồi giữa tháng 7/2023. Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng rất mạnh, đặc biệt từ khoảng giữa tháng 10/2023, tầm 1.000-2.000 tỷ đồng mỗi ngày giao dịch. Đến nay, gần 700 mã TPDN riêng lẻ được đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch, góp phần làm tổng giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng mạnh mẽ.
“Theo số lượng chúng tôi mới ghi nhận gần đây, giá trị giao dịch trung bình TPDN riêng lẻ đã lên tới 4,5 nghìn tỷ đồng – con số rất lớn và ấn tượng”, ông Việt chia sẻ.
Ông Việt cho rằng, khi thanh khoản của thị trường gia tăng, giao dịch đa dạng về số lượng và giá trị, lợi suất đầu tư sẽ dần được hình thành, là cơ sở để xây dựng đường cong lợi suất chung của toàn thị trường, đặc biệt khi kết hợp với hoạt động xếp hạng tín nhiệm.
Thị trường năm 2024 có nhiều tích cực
Nhận định về triển vọng của thị trường TPDN năm tới, ông Việt cho rằng, thị trường có nhiều yếu tố tích cực quan trọng. Điểm tích cực đầu tiên chính là thị trường TPDN đã và đang lành mạnh hơn sau giai đoạn thanh lọc.
Trong giai đoạn 2022-2023, việc các tổ chức phát hành (TCPH) yếu kém bộc lộ đã giúp thị trường sàng lọc và khoanh vùng nhóm các TCPH theo mức độ rủi ro khác nhau. Những doanh nghiệp có lịch sử trả nợ gốc và lãi TPDN sẽ là điểm sáng của thị trường, thu hút nhà đầu tư.
Các nhóm ngành nghề rủi ro cao cũng đã bộc lộ, giúp nhà đầu tư có góc nhìn chính xác hơn về rủi ro tín dụng từng nhóm ngành. Do đó, mức độ ảnh hưởng của những vi phạm trong việc phát hành TPDN tới thị trường thời gian tới sẽ thấp hơn, thị trường cũng sẽ ít biến động hơn.
“Nhà đầu tư có thể dựa vào lịch sử trả nợ gốc và lãi của doanh nghiệp để nhận định, đánh giá được doanh nghiệp nào tốt, nhóm ngành nào ít rủi ro để giải ngân đầu tư TPDN”, ông Việt khuyến nghị.
Một điểm tích cực khác của thị trường là thông tin về TPDN trở nên minh bạch. Việc lưu ký tập trung trên Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ Chứng khoán Việt Nam giúp thông tin về TPDN trở nên minh bạch hơn rất nhiều, như các thông tin về lãi suất danh nghĩa, kỳ trả lãi...
Bên cạnh đó, sự ra đời và vận hành của sàn giao dịch TPDN riêng lẻ giúp nhà đầu tư nắm bắt rõ hơn các thông tin về giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp, đặc biệt các dữ liệu liên quan đến lợi suất đầu tư của từng mã trái phiếu. Đây là cơ sở để xây dựng các thông tin về đường cong lãi suất của các TCPH, nhóm TCPH.
Đồng thời, hoạt động xếp hạng tín nhiệm với sự tham gia của nhiều đơn vị xếp hạng, sẽ giúp cho nhà đầu tư có nhiều thông tin và sự lựa chọn hơn. Ngày 28/11, trong cuộc họp lấy ý kiến đánh giá tình hình triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và định hướng chính sách trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng đề xuất không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với TPDN riêng lẻ. Như vậy, từ ngày 1/1//2024, các doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm, đây cũng là một lợi thế giúp nhà đầu tư có thêm lựa chọn giải ngân an toàn.
Ngoài ra, theo ông Việt, kênh TPDN vẫn còn rất nhiều cơ hội đầu tư tốt. Một số TPDN đầu ngành, cũng như nhóm TPDN của nhóm ngân hàng vẫn có mức coupon phát hành và lợi suất đầu tư trên thị trường thứ cấp hấp dẫn.
Về áp lực đáo hạn trong năm 2024, ông Việt cho biết, dòng tiền đáo hạn trong năm tới, bao gồm cả lượng gốc và lãi khoảng 380.000 tỷ đồng, tập trung vào 2 nhóm ngành chính là BĐS và Ngân hàng. Trong đó, tổng giá trị đóa hạn năm 2024 của nhóm BĐS khoảng hơn 110.000 tỷ đồng.
Xét về nợ xấu, có khoảng 147 TCPH vi phạm trả lãi/gốc đã được nhận diện trong 2022-2023. Những nhóm nợ xấu này đã được nhận diện rõ ràng, điều này cũng sẽ giúp thị trường xác định nhóm các TCPH có tài chính lành mạnh, nên nợ xấu dự báo cho năm 2024 sẽ ko có quá nhiều bất ngờ, hay biến động cho thị trường. Vì thị trường đã có nhận thức, nhận định về những rủi ro này trong năm 2024 là cơ sở và tiền đề cho việc khôi phục hoạt động phát hành TPDN của nhóm TCPH nói trên và thị trường nói chung.
“Nhóm ngành Ngân hàng và BĐS đã chiếm 70% tổng giá trị đáo hạn năm 2024, vì vậy 30% còn lại, chúng tôi đánh giá sẽ không tạo ra áp lực quá lớn cho thị trường vốn của năm tới”, ông Việt nhận định.
Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý, môi trường kinh doanh có thể tiếp tục khó khăn, dẫn đến triển vọng kinh doanh của các TCPH, đặc biệt trong nhóm ngành BĐS, Năng lượng tái tạo sẽ không đủ dòng tiền để trả nợ gốc, lãi trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới.
Do đó, thị trường vẫn cần có thêm một thời gian dài đề hồi phục hoàn toàn, cũng như chứng tỏ được vai trò tích cực của kênh dẫn vốn an toàn, minh bạch để nhà đầu tư quay trở lại thị trường.