Hoàn thiện cơ chế chính sách giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững

Minh Lâm

Sau 8 tháng triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã dần đi vào ổn định, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tạo ra dòng tiền trả nợ, tăng chất lượng cho doanh nghiệp phát hành và cả nhà đầu tư…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chủ trì cuộc họp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chủ trì cuộc họp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần ổn định trở lại

Chiều 28/11/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và ghi nhận được nhiều ý kiến tích cực từ các bộ, ngành, hiệp hội.

Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia; các thành viên Tổ công tác theo Quyết định số 75/QĐ-TTg ngày 28/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh và đại diện các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, với việc chủ động triển khai các giải pháp ổn định thị trường, từ quý II/2023 đến nay, thị trường TPDN đã dần ổn định trở lại. Về các giải pháp liên quan pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, góp phần giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng thường xuyên theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thanh toán nợ trái phiếu; tăng cường truyền thông để khôi phục niềm tin cho nhà đầu tư; tăng cường thanh tra, giám sát chấn chỉnh và xử lý vi phạm.

Tính từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến ngày 3/11/2023, theo số liệu theo dõi của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), có 68 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 189,7 nghìn tỷ đồng. Về dư nợ TPDN riêng lẻ, tại thời điểm cuối tháng 10/2023, khoảng một triệu tỷ đồng TPDN đã được phát hành, tương đương 10,5% GDP năm 2022, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Các doanh nghiệp có khó khăn về thanh khoản dẫn tới có khả năng chậm thanh toán gốc, lãi TPDN đã chủ động đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác (chủ yếu bằng sản phẩm bất động sản), kéo dài kỳ hạn trái phiếu hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản khác của trái phiếu (thay đổi về thời gian, phương thức, tần suất thanh toán gốc, lãi trái phiếu).

Đến ngày 3/11/2023, một số doanh nghiệp chậm thanh toán đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư. Những quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP là một trong các cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, giảm áp lực trả nợ, qua đó doanh nghiệp có thời gian để điều chỉnh quy mô hoạt động, khôi phục sản xuất kinh doanh để tạo ra dòng tiền trả nợ.

Nâng cao chất lượng tổ chức phát hành, nhà đầu tư

Tại cuộc họp, Bộ Tài chính đã nhận được 13 ý kiến từ các Bộ, cơ quan Trung ương, các Hiệp hội tham dự cuộc họp xoay quanh các nội dung như về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu… Trong đó, đa số các đại biểu đều đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính là không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua TPDN riêng lẻ.

Theo Bộ Tài chính, đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nên không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.

Ngoài ra, pháp luật chứng khoán còn quy định các cách khác để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân đang được thực hiện như: Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu một tỷ đồng. Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN.

Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cân đối và huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đến hết ngày 31/12/2023. Đến nay, thanh khoản của thị trường TPDN đã ổn định trở lại. Để hạn chế rủi ro đối với thị trường TPDN, hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua trái phiếu, không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu.

Đề xuất không kéo dài thời ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc

Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm (XHTN) phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành của doanh nghiệp, ngoài ra trên thị trường mới có 02 doanh nghiệp XHTN được cấp phép nên Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngưng thực hiện quy định về XHTN đối với TPDN riêng lẻ đến hết ngày 31/12/2023.

Từ ngày 01/01/2023, TPDN chào bán ra công chúng đã thực hiện quy định về XHTN đối với các đợt chào bán bắt buộc phải có XHTN. Các doanh nghiệp phát hành ra công chúng năm 2023 đều không thuộc trường hợp bắt buộc XHTN. Đối với phát hành riêng lẻ, từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến ngày 3/11/2023, nếu áp dụng quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP thì có ít doanh nghiệp thuộc trường hợp phải XHTN theo quy định.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, tương tự như trái phiếu phát hành ra công chúng, chỉ một số trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện thì phải bắt buộc XHTN nên số đợt phát hành phải có XHTN dự kiến còn hạn chế. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP dự kiến sẽ không có vướng mắc. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất không kéo dài thời gian ngưng quy định XHTN bắt buộc đối với TPDN riêng lẻ.

Hoàn thiện cơ chế chính sách đối với thị trường TPDN trong trung, dài hạn

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu cả 2 luồng ý kiến liên quan tới các đề xuất nêu trên, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa ra phương án sao cho phù hợp nhất với tình hình thực tế. Đối với các ý kiến liên quan vấn đề kỹ thuật, Bộ Tài chính sẽ giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, có quy định rõ ràng để đề xuất với Chính phủ, hướng tới mục tiêu tiếp tục ổn định và phát triển thị trường.

“Bộ Tài chính sẽ cố gắng xây dựng thị trường trái phiếu nói chung và TPDN riêng lẻ nói riêng phát triển một cách bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Để tiếp tục ổn định và phát triển thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp gồm: Thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; Tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; Theo dõi thanh toán TPDN đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; Tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát; Rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan; Nghiên cứu chính sách khuyến khích XHTN, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức; Tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN.

Đối với các giải pháp về cơ chế, chính sách trong trung và dài hạn, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ bao gồm: Rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về phát hành TPDN riêng lẻ và người có liên quan (tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan).

Trường hợp cần thiết, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật để kịp thời xử lý các vướng mắc về pháp lý đối với thị trường TPDN; Rà soát, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp để các doanh nghiệp có đủ quy trình thực hiện phá sản một cách có trật tự...

 

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 05/3/2023,  hoãn một số quy định tại Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ đến hết ngày 31/12/2023 để hài hòa lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu theo tinh thần “lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ”, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn cho nhà đầu tư và tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.